|
Bức tượng Tập Trọng Huân tại huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, miền Trung Trung Quốc. Ảnh: Los Angeles Times. |
Bức tượng bằng đá nặng 60 tấn của cố phó thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân, đồng thời là cha Chủ tịch Trung Quốc hiện nay Tập Cận Bình, tại một công viên có diện tích bằng 40 sân bóng đá thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, luôn khiến du khách choáng ngợp về độ hoành tráng. Có rất ít quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc được tôn vinh bằng những đài tưởng niệm tương tự, đa phần họ đều là những cán bộ chính trị ưu tú, theo Financial Times.
Khi mới hoàn thành vào năm 2005, đài tưởng niệm chỉ rộng bằng một sân bóng đá nhưng khuôn viên của nó bắt đầu mở rộng nhanh chóng những năm sau đó. Thời điểm Tập Cận Bình nhậm chức chủ tịch Trung Quốc hồi năm 2012, một bản tiểu sử chính thức, chương trình truyền hình cùng loạt tem bưu chính về cha ông cũng được tung ra.
Nhiều người có lẽ không quá ngạc nhiên khi thấy hình ảnh Tập Cận Bình là tâm điểm của bức tranh lớn nhất trong một triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc vào tháng này nhân kỷ niệm 40 năm Trung Quốc mở cửa. Hình ảnh Tập Cận Bình đã chiếm lĩnh truyền thông Trung Quốc suốt 5 năm qua.
Tuy nhiên, điều gây chú ý lại nằm ở gương mặt trung tâm trong bức tranh lớn thứ hai buổi triển lãm. Bức tranh vẽ lại cảnh Tập Trọng Huân giảng giải cho cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình về cải cách kinh tế.
"Con ông ấy giờ đây đã là người có quyền lực cao nhất", Warren Sun, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử đảng Cộng sản tại Đại học Monash, Australia, nói. Các nỗ lực tuyên truyền đang "cố gắng xây dựng hình ảnh Tập Trọng Huân trở thành một trong những lãnh đạo quan trọng nhất thời kỳ hậu Mao Trạch Đông". Song Sun thêm rằng những nỗ lực này cũng có thể là cách để các quan chức cấp thấp gây ấn tượng với lãnh đạo.
Dường như Tập Cận Bình cũng chưa có chuyến thăm nào đến khu tưởng niệm cha mình tại huyện Phú Bình sau lần ông tới đây hồi năm 2005 để mang theo tro cốt của cha. Ông Tập Trọng Huân qua đời năm 2002 ở tuổi 88.
Hồi năm 2015, đài tưởng niệm Tập Trọng Huân được xếp vào hàng những "cơ sở phục vụ giáo dục tinh thần yêu nước". Học sinh và các quan chức từ những vùng xa xôi ở Trung Quốc như Tây Tạng thường xuyên tới đây để cúi đầu bày tỏ thành kính trước tượng đài.
Khu vực xung quanh tượng đài được bố trí an ninh như ở sân bay với thiết bị phát hiện kim loại, hàng chục camera an ninh và các nhân viên bảo vệ luôn theo dõi sát khách viếng thăm trong im lặng.
"Tôi cảm nhận được một sự kính trọng", chủ nhà máy tên Xu, người tới thăm đài tưởng niệm cùng bạn bè, nói.
Một bảo tàng hai tầng gần đó tái hiện những giai đoạn đầu trong cuộc đời ông Tập Trọng Huân. Giai đoạn sau đó, với cuộc thanh trừng năm 1962 và Cách mạng Văn hóa khi mà ông Tập Trọng Huân phải diễu hành trước công chúng như "kẻ thù của nhân dân", chỉ được khắc họa với ba bức ảnh.
|
Ông Tập Trọng Huân năm 1946. Ảnh: Beijing News. |
Thay vào đó, một cuộc triển lãm lớn được tổ chức kể lại giai đoạn Tập Trọng Huân giữ chức bí thư tỉnh Quảng Đông vào cuối thập niên 1970, dẫn dắt quá trình xây dựng đặc khu kinh tế Thâm Quyến, biến thành phố nhỏ bé với 300.000 dân thành một trong những đô thị giàu có và lớn nhất Trung Quốc.
"Tôi chưa bao giờ làm điều gì khiến người dân thất vọng. Khi những kẻ khác áp bức dân chúng, tôi từ chối tuân lệnh", ông Tập Trọng Huân từng nói.
Theo giới sử học, dù vẫn chịu ảnh hưởng từ các lãnh đạo lão thành, Tập Trọng Huân đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra mô hình kinh tế hướng thị trường vốn đã làm nên sự phát triển của Trung Quốc suốt những thập kỷ qua.
Theo VNE