|
Phiên họp thứ 3 Hội đồng tiền lương quốc gia |
Trong 2 phiên họp trước, đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVSN) vẫn giữ nguyên mức tăng lương tối thiểu 8%, còn đại diện chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từ không đồng ý tăng đã nhượng bộ tăng lên 2%.
Từ các phương án tăng lương tối thiểu có mức chênh lệch khá cao, đại diện người lao động và đại diện chủ sử dụng lao động đều đã giảm dần và bước vào phiên họp lần 3 thái độ thiện chí, khoảng cách giữa 2 bên tiếp tục được rút ngắn. Phương án của chủ sử dụng lao động là 4%.
Cụ thể, vùng 1 tăng 160.000 đồng, từ 3,98 triệu đồng lên 4,14 triệu đồng/tháng; vùng 2 tăng 140.000 đồng, từ 3,53 triệu đồng lên 3,67 triệu đồng; vùng 3 tăng 130.000 đồng, từ 3,09 triệu đồng lên 3,22 triệu đồng; vùng 4 tăng 110.000 đồng, từ 2,76 triệu đồng lên 2,87 triệu đồng.
Còn phương án của Tổng liên đoàn lao động đưa ra là tăng 6,1%. Cụ thể, vùng 1 tăng 230.000 đồng, từ 3,98 triệu đồng lên 4,21 triệu đồng; vùng 2 tăng 210.000 đồng, từ 3,53 triệu đồng lên 3,74 triệu đồng; vùng 3 tăng 190.000 đồng, từ 3,09 triệu đồng lên 3,28 triệu đồng; vùng 4 tăng 180.000 đồng, từ 2,76 triệu đồng lên 2,94 triệu đồng.
Sau quá trình thương thảo, nâng lên đặt xuống có sự thiện chí của giới chủ và cả phía người lao động đều mong muốn doanh nghiệp khỏe khắn để phát triển và có thêm nhiều việc làm cho người lao động, các bên đã đưa ra phương án 5,3% để bỏ phiếu. Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, kết quả 15/15 thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu thông qua. Mức tăng bình quân là 175.000 đồng/tháng.
Theo đó, vùng 1 tăng 200.000 đồng, từ 3,98 triệu đồng lên 4,18 triệu đồng; vùng 2 tăng 180.000 đồng, từ 3,53 triệu đồng lên 3,71 triệu đồng; vùng 3 tăng 160.000 đồng, từ 3,09 triệu đồng lên 3,25 ttriệu đồng; vùng 4 tăng 160.000 đồng, từ 2,76 triệu đồng lên 2,92 triệu đồng.
“Hai bên đã cùng chia sẻ, cân nhắc đến các yếu tố tiền lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu, chia sẻ lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng kinh tế, mong muốn doanh nghiệp có tích lũy, có việc làm cho người lao. Chúng tôi khá hài lòng với kết quả trên bởi phương án cuối cùng hài hòa cho cả 2 bên. Chính phủ luôn quan tâm đến đế người lao động và doanh nghiệp cũng như là vấn đề tạo việc làm mới cho người lao động”, ông Diệp nói.
Dù chưa thực sự hài lòng với kết quả trên, song PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, chia sẻ: “ Chúng tôi mong muốn cao hơn, nhưng sau cả buổi sáng thương lượng cũng phải đi đến phương án cuối cùng. Với phương án này, sang năm 2020 sẽ phải tăng ở mức gần 10% mới đạt được yêu cầu năm 2020 lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu như Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 đề ra”.
Ông Doãn Mậu Diệp cho hay, trên cơ sở kết quả này, Bộ LĐ-TB-XH sẽ trình dự thảo Nghị định lương tối thiểu vùng năm 2019 để báo cáo Chính phủ.
Theo Thanh Niên