|
Ngôi đình Lương Xá 300 tuổi bị thay thế bằng bê tông cốt thép trên nền cũ. |
Sáng 14/8, tại buổi tọa đàm tìm giải pháp giảm thiểu các vi phạm trong công tác tu bổ di tích, ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội và các đại biểu được đề nghị xác định trách nhiệm trong vụ đình Lương Xá 300 tuổi ở huyện Ứng Hòa vừa bị phá hết các cấu kiện bằng gỗ thay mới bằng bê tông cốt thép.
Ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội nhận định, những vấn đề liên quan đến đình Lương Xá là vụ việc rất đáng tiếc. “Sở VHTT cũng nhận một phần trách nhiệm trong việc tham mưu quản lý”, ông Tiến nói và cho biết, trước đó Sở này cũng đã tham mưu cho các cấp chính quyền về thực trạng ngôi đình này nhưng sự vào cuộc của huyện, đặc biệt phía xã là chưa quyết liệt.
Theo ông Trương Minh Tiến, từ cuối năm 2017, xã Liên Bạt đã có báo cáo lên huyện xin chủ trương, hướng dẫn tu bổ đình Lương Xá. Sau đó Phòng Văn hóa huyện Ứng hòa cũng đã có hướng dẫn về thủ tục.
“Riêng về thủ tục tu bổ đình Lương Xá, tuy chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục quản lý nên chắc chắn địa phương phải ý thức được việc xin phép này rồi”, ông Tiến cho hay.
Phó giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, thủ tục xin phép tu bổ đình Lương Xá cũng không rườm rà.
“Rất tiếc là địa phương không làm được thủ tục. Đến bây giờ đình Lương Xá đã bị bê tông hóa gần hết rồi. Tới đây chúng tôi sẽ tham mưu cho TP, bàn với huyện có phương án xử lý thích hợp”, ông Tiến nói thêm.
Theo ông Tiến, di sản không phải “nhất thành bất biến” mà có những bổ sung nhất định qua từng thời kỳ. Nhưng cái nào có thể thay thế được là không hề đơn giản phải thận trọng.
Về việc sử dụng những loại vật liệu mới trong tu bổ di tích, theo ông Tiến, đây là vấn đề khoa học. “Chắc chắn các bộ, ngành liên quan đã tính đến chuyện này. Nhưng hiện tại, chưa có hướng dẫn chính thức thức từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch”, ông Tiến cho hay.
|
Ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thừa nhận, Sở có phần trách nhiệm của trong vụ phá dỡ đình Lương Xá 300 tuổi |
Theo PGS. TS Phạm Mai Hùng - Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, vụ việc liên quan đế đình Lương Xá cho thấy đơn vị thiết kế không có tâm. Tuy nhiên, theo ông Hùng việc nhà đầu tư chưa có tâm còn có thể là một ví dụ điển hình cho thấy khoảng cách giữa nhiệm vụ quản lý hồ sơ của cấp chính quyền và thực hiện bảo tồn vẫn còn một khoảng cách.
Ông Hùng cho biết, tại Hà Nội có tới 1.500 di tích đã và đang bị xuống cấp. Với khối lượng lớn như vậy, rất khó để phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách của TP. Bởi nguồn ngân sách chỉ tập trung cho một số di tích bị xuống cấp một cách trầm trọng. Do vậy việc bảo tồn các di tích vẫn cần có sự huy động từ nguồn lực xã hội.
“Tuy nhiên, các cấp chính quyền cần vận dụng và quản lý một cách chặt chẽ đối với việc bảo tồn các di tích văn hóa được huy động nguồn vốn xã hội hóa”, PGS. TS Phạm Mai Hùng nói thêm.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 13/8, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký văn bản số 3692/UBND-KGVX, về việc xử lý vi phạm tại đình Lương Xã, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa. Trong công văn, UBND Thành phố chỉ đạo UBND huyện Ứng Hòa kiểm điểm xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm quy định, báo cáo Thành phố trong tháng 8/2018. Giao Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội hướng dẫn UBND huyện Ứng Hòa, UBND xã Liên Bạt thực hiện đúng quy định của pháp luật và Thành phố.
Theo Tiền Phong