|
Nước ngập sâu ở quốc lộ 1 đoạn qua H.Tam Bình, Vĩnh Long ngày 11.9 |
Theo lẽ thông thường, đồng ruộng, vườn cây là nơi thấp sẽ bị ngập trước; sau đó nếu nước vẫn tiếp tục dâng mới ngập đến các khu vực đô thị. Nay mực nước không quá cao, chỉ trong khoảng báo động 2 mà đô thị lại ngập nặng. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân ngập ở đô thị là do lũ lớn kết hợp triều cường. Các chuyên gia cho đó chỉ là một phần nhỏ trong các nguyên nhân.
Thực tế phần lớn ruộng lúa, hoa màu, vườn cây của người dân vẫn được an toàn bên trong các con đê, một số ít bị thiệt hại nằm ở khu vực ngoài đê bao. Theo TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ), các đô thị lại bị ngập nặng còn có yếu tố sụt lún mặt đất. Bên cạnh đó, nước bị đê bao ngăn lại không vào được trong đồng nên gây ngập ở những nơi khác.
Nước lũ tràn vào nội ô Long Xuyên |
Thành phố bị ngập nhưng trong đồng lại không có nước cũng là vấn đề mà thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đặc biệt quan tâm. Ông Thiện kể: Cách đây 3 ngày, ông đi ôtô một giờ đồng hồ từ Cần Thơ về hướng Vị Thanh (Hậu Giang) khu vực giữa vùng ĐBSCL mà chẳng thấy “miếng” nước nào, chỉ toàn lúa là lúa.
Nước không vào được trong đồng vì đê bao khắp nơi để bảo vệ lúa. Ông Thiện giải thích, các số liệu đo đạc đã chứng minh trong 25 năm qua (1991 - 2016) TP.Cần Thơ đã lún khoảng 20cm. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến đô thị bị ngập. Bên cạnh đó, đê bao khắp nơi cản nước không vào được trong vùng đầu nguồn Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cũng không vào được vùng giữa của ĐBSCL. Khi gặp con nước rong (triều cường), nước không có chỗ chảy nên gây ngập ở các đô thị. Theo quán tính, khi thấy ngập người ta lại đắp đê để chống và nó trở thành cái vòng luẩn quẩn.
Theo các chuyên gia, các con đê ngăn nước tràn đồng làm mất cơ hội vệ sinh đồng ruộng, bổ sung phù sa, chất dinh dưỡng những mùa vụ sau phải tốn nhiều phân bón hơn. Như vậy nhìn dài hạn người nông dân mất nhiều hơn được. Nước không được tích trữ trong đồng mà chảy thẳng ra biển, giúp bổ sung vật chất cho vùng ven biển, giảm nguy cơ sạt lở.
Nhưng mặt khác khi vào mùa khô, tình trạng xâm nhập mặn sẽ xảy ra sớm hơn, sâu hơn vì không có nước ngọt để đẩy mặn. Lúc đó, chúng ta lại phải chạy theo các giải pháp ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ cây trồng vật nuôi. Ngoài ra, tình trạng ngập ở các đô thị sẽ ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư đô thị... Nếu tính hết những chi phí như phân tích ở trên sẽ thấy việc đắp đê ngăn nước để sản xuất lúa mà phần lớn lượng lúa dư thừa dùng để xuất khẩu sẽ lãng phí một nguồn lực xã hội vô cùng lớn.
Ngày nay, nhiều người nhìn nhận những con đê bao khép kín để sản xuất 3 vụ “ăn chắc” là một dạng công trình gây hối tiếc. Vì hiện tại đồng ruộng bị đê bao hóa và người dân đã hình thành thói quen, tập quán sản xuất trong đê bao, nay muốn xả lũ cho nước tràn đồng cũng không phải là dễ.
Đối với ĐBSCL, lũ hay nói đúng hơn là mùa nước nổi rất quan trọng. Đầu năm 2017, Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các tỉnh ĐBSCL tổ chức hội thảo tìm giải pháp “trữ lũ” cho ĐBSCL. Một trong những giải pháp là tìm cách khôi phục các vùng trữ nước tự nhiên cũ. Tuy nhiên để làm được điều này không dễ và cần có một kế hoạch bài bản, khoa học. Một giải pháp quan trọng khác là phải sử dụng nước tiết kiệm cả trong sinh hoạt và sản xuất.
Theo Thanh Niên