Chiều 10-10, trao đổi với PV, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong TP - đơn vị phụ trách đề án khoán kinh phí sử dụng ôtô công, cho biết hiện nay TP đang tạm ngưng thí điểm khoán xe công.
Nguyên nhân tạm ngưng theo ông Bình là xuất phát từ văn bản số 3515 của Bộ Tài chính ban hành về xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó có yêu cầu tạm dừng xem xét, giao và điều chuyển bán xe ôtô của các cơ quan.
"Do đó, trong quá trình triển khai thí điểm đề án, Lực lượng TNXP cùng các sở - ngành liên quan bị vướng nên đã báo cáo với UBND TP. Từ đó, UBND TP cho tạm ngừng thí điểm đề án. Trong thời gian chờ trung ương có các nghị định mới thay thế các nghị định hiện nay, UBND TP đã cho Lực lượng TNXP, Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh đề án, khi có quy định mới sẽ tiếp tục thực hiện" - ông Bình thông tin.
Theo tính toán, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách TP hơn 100 triệu đồng mỗi tháng |
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong ký quyết định thí điểm khoán kinh phí sử dụng ôtô công (Đề án cung ứng dịch vụ tổng hợp TP). Theo đó, TP sẽ thí điểm khoán xe công tại 5 đơn vị: Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, UBND quận Bình Thạnh và UBND huyện Bình Chánh. Việc tổ chức triển khai thực hiện khoán kinh phí sử dụng ôtô công được yêu cầu phải công khai, minh bạch, hiệu quả, đồng thời đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo tính toán, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, tương đương hơn 1,2 tỉ đồng/năm (cho 5 đơn vị thí điểm) nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đủ số km thực tế sử dụng và nhu cầu bảo vệ, tạp vụ.
Ngoài ra, việc cho thuê xe công còn giúp tiết kiệm rất lớn vì giảm được khoản chi mua sắm xe mới; kiểm soát được kinh phí, đảm bảo chi tiêu tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước. Lượng xe công dôi dư khi thực hiện đề án sẽ được thu hồi, thanh lý và nộp tiền vào ngân sách.
Theo NLĐ