|
Khu vực dự kiến xây Nhà hát HBSO |
Tối 10.10, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm có cuộc trao đổi với PV những nội dung liên quan và lý giải vì sao kỳ họp HĐND TP vừa rồi thông qua dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch (HBSO).
Bà Tâm cho biết dự án Nhà hát HBSO vừa rồi được thông qua thuộc dự án nhóm A mà Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép HĐND TP quyết định. Ngoài những kỳ họp thường kỳ thì hằng năm HĐND TP có hai kỳ họp bất thường (trước đây gọi là kỳ họp chuyên đề - PV) diễn ra vào tháng 3 và kỳ họp vừa rồi. Tại kỳ họp này, HĐND TP giao UBND TP trình những vấn đề có liên quan đến thẩm quyền của Nghị quyết 54. “Nếu những vấn đề này đưa vào kỳ họp thường kỳ với nhiều nội dung sẽ làm kỳ họp thường kỳ kéo dài ra. Mọi chuyện đơn giản chỉ vậy thôi. Nhiều khi người ta nghe tới chữ kỳ họp bất thường nên hiểu có gì đó bất thường”, bà Tâm bày tỏ.
Nhà hát có trong quy hoạch Thủ Thiêm từ trước
Bà Tâm khẳng định những kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến nay UBND TP vẫn thực hiện và không làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư ở khu đô thị này. Còn dự án nhà hát đã có trong quy hoạch của Thủ Thiêm từ trước và kinh phí xây dựng nhà hát được để dành từ lâu rồi. Số tiền này được lấy từ đấu giá ở địa chỉ 23 Lê Duẩn (Q.1). Trước đây khi đưa miếng đất này ra đấu giá, Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ trước đã chỉ định số tiền đó chỉ xây dựng nhà hát giao hưởng chứ không được làm việc gì khác.
"Nhà hát sẽ có tiền sảnh lớn phục vụ miễn phí nhiều chương trình nghệ thuật đại chúng. Nhưng nhà hát sẽ có những chương trình hàn lâm dành cho những người có đủ trình độ hiểu, nghe về nghệ thuật sẽ mua vé vào xem". Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Vậy tại sao có thời gian TP lại định xây nhà hát ở công viên 23/9? Theo bà Tâm, dù quy hoạch ban đầu của nhà hát nằm ở khu đô thị Thủ Thiêm, nhưng có thời gian lo ngại khu đô thị này triển khai quá chậm nên lãnh đạo TP đã quyết định đưa dự án về công viên 23/9.
Tuy vậy, khi Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đưa ra lấy ý kiến thì người dân, chuyên gia không đồng ý do diện tích đất ở đây chật, lại vướng công trình bãi đậu xe buýt, dự án metro... Do đó, TP quyết định đưa dự án về lại Thủ Thiêm như đúng quy hoạch trước đó.
Các chuyên gia cũng cho rằng nếu đưa nhà hát về Thủ Thiêm sẽ tạo được sự đồng bộ. Hiện một số dự án ở Thủ Thiêm đã đồng loạt triển khai như quảng trường trung tâm, cầu từ Q.1 bắc qua Thủ Thiêm… nên đưa dự án nhà hát về đây là hợp lý. “Dự án nhà hát nằm ở ngay góc của cầu từ Q.1 qua Thủ Thiêm, kết nối với quảng trường trung tâm, kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, cùng với hai dự án mà TP đang xin T.Ư sẽ tạo ra sự kết nối liên hoàn”, bà Tâm nói.
Xây nhà hát cho ai?
Cũng theo bà Tâm, khi tiến hành thẩm tra dự án cho thấy quyết định xây dựng nhà hát có từ cách đây 20 năm. Lúc đó TP đã có ý định làm một nhà hát tầm cỡ để các đoàn nghệ thuật lớn trên thế giới đến đây có thể biểu diễn. “Người dân cũng điện hỏi tôi làm nhà hát cho ai, cho người giàu hay người nghèo và câu trả lời của tôi là giàu hay nghèo đều có thể thưởng thức được. Nhà hát sẽ có tiền sảnh lớn phục vụ miễn phí nhiều chương trình nghệ thuật đại chúng. Nhưng nhà hát sẽ có những chương trình hàn lâm dành cho những người có đủ trình độ hiểu, nghe về nghệ thuật sẽ mua vé vào xem. Những điều này trong dự án nói rất rõ”, bà Tâm nói.
Về câu hỏi có dư luận cho rằng HĐND TP sớm thông qua dự án là để nhanh chóng “giải ngân” số tiền đấu giá ở 23 Lê Duẩn, bởi nếu không sớm thông qua thì số tiền này năm tới sẽ bị nhập vào ngân sách chuyển về cho T.Ư? Bà Tâm khẳng định “hoàn toàn không có chuyện đó”. Bởi lãnh đạo TP các nhiệm kỳ trước đây đã quyết định khoản kinh phí, nguồn vốn lấy từ mặt bằng, đất đai của TP, cụ thể đấu giá lô đất ở đường Lê Duẩn chỉ để xây dựng nhà hát. Ngoài việc đầu tư nhà hát, TP vẫn đầu tư song song những dự án giao thông, bệnh viện, trường học.
Tiêu biểu, năm nay ngân sách TP dành riêng cho dự án giao thông hơn 8.000 tỉ đồng, hay dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng. “Tuy nhiên, nếu TP cứ mãi đi theo để giải quyết những cái trước mắt thì tầm vóc văn hóa của TP sẽ không đáp ứng được. Thời điểm này hội đủ những điều kiện thì mình phải làm thôi. Nếu đọc lại nghị quyết mấy kỳ đại hội Đảng bộ TP thì kỳ nào cũng đánh giá đầu tư cho phát triển văn hóa không tương xứng với tăng trưởng, phát triển kinh tế”, bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, dù HĐND TP đã thông qua dự án nhưng trong quá trình triển khai, chính quyền TP phải lắng nghe góp ý của người dân, nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực này để xây dựng công trình bền vững. Về phía HĐND TP từ đây về sau sẽ giám sát chặt dự án.
Theo Thanh Niên