Dự án đầu tư xây dựng nhà hát tại khu đô thị Thủ Thiêm vừa được Hội đồng Nhân dân TP.HCM thông qua, với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng. Quyết định này thu hút quan tâm lớn của dư luận, nảy sinh nhiều ý kiến tranh cãi việc có cần xây nhà hát quy mô nghìn tỷ trong bối cảnh kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, còn loại hình nghệ thuật hàn lâm vẫn xa lạ với đại bộ phận khán giả.
Nhà hát Giao hưởng TP.HCM hiện phải thuê Nhà hát Thành phố để biểu diễn. |
Sáng 10/10, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) - ông Trần Vương Thạch - chia sẻ với PV nhà hát đối mặt áp lực khi quyết định này rơi vào lúc quy hoạch đất ở Thủ Thiêm là tâm điểm của dư luận. "Tôi luôn khẳng định cần nhà hát cho sự nghiệp văn hóa của TP.HCM. Còn xây ở đâu, lúc nào, thế nào là việc của nhà hoạch định chính sách. Lỗi xảy ra ở Thủ Thiêm, Ủy Ban Nhân dân TP.HCM phải sửa, đền bù là một câu chuyện khác, chứ không phải vì dự án nhà hát này", ông Thạch nói.
Theo nhạc trưởng, nhà hát cần cho sự phát triển và thưởng thức văn hóa thành phố.
Theo đuổi dự án này nhiều năm, Trần Vương Thạch cho biết quy mô nhà hát từng được phác thảo vào năm 2012, khi thành phố dự kiến xây dựng ở Công viên 23 Tháng 9 (trung tâm quận 1, TP.HCM). Nhà hát khi đó được lên ý tưởng có hai khán phòng. Một khu có sức chứa 1.200 chỗ ngồi, dành biểu diễn các chương trình giao hưởng, nhạc, vũ kịch lớn, cần sân khấu cảnh trí. Khán phòng còn lại có 500 chỗ, phục vụ cho bộ môn thính phòng, dùng để thu âm theo chuẩn quốc tế hoặc diễn các vở kịch, cải lương, tuồng chèo và nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác. Bên cạnh đó, nhà hát còn có một sân khấu ngoài trời cùng hệ thống phòng tập cá nhân lẫn tập thể, phòng nghỉ dành cho nghệ sĩ, khu ăn uống, phòng triển lãm. Kế hoạch sử dụng nhà hát, về mặt nghệ thuật lẫn kinh doanh, sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị.
Với diện tích 5.000 mét vuông ở Thủ Thiêm, nhạc trưởng cho rằng quy mô cần được bàn bạc, xây dựng lại từ đầu."Quy trình này theo tôi mất ít nhất hai năm mới có thể khởi công xây nhà hát. Tôi nghĩ để hoàn thành công trình, ngắn nhất phải là 5 năm và dài nhất là 10 năm vì còn tùy thuộc vào nguồn vốn, tiến độ", ông Trần Vương Thạch chia sẻ thêm. Theo ông, quy mô nhà hát với kinh phí 1.500 tỷ này chỉ ở mức trung bình so với tiêu chuẩn các nhà hát giao hưởng thế giới.
HBSO được thành lập từ năm 1993, nhưng 25 năm qua đơn vị này gắn với biệt danh "nhà hát không nhà".
Họ không có trụ sở, không điểm tập, các chương trình, tiết mục biểu diễn từ lớn đến nhỏ đều phải thuê Nhà hát TP.HCM hoặc Nhạc viện TP.HCM - hai địa điểm vốn cũ kỹ về mặt kiến trúc, yếu tố kỹ thuật không đủ so với tiêu chuẩn.
HBSO đã đầu tư nhiều loại nhạc cụ giá trị, có bộ 40 tỷ đồng nhưng chưa bao giờ được lên sân khấu biểu diễn vì thiếu nhà hát để bảo quản và sử dụng đúng chức năng. Các nghệ sĩ được đào tạo ở nước ngoài nhưng về nước lại thiếu "mái nhà nghệ thuật" đúng nghĩa để hoạt động. Những chương trình được dàn dựng công phu, thậm chí đầu tư tiền tỷ, thu hút khán giả, nhưng không thể duy trì lịch diễn do không có điểm diễn.
Những điểm diễn thuê không đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật của loại hình nghệ thuật này. Trung bình mỗi dàn nhạc giao hưởng thường khoảng 70-80 người, các đoàn quốc tế có thể lên đến hơn 100 người. Nhiều dàn nhạc nước ngoài - như dàn NHK của Tokyo, Nhật Bản - khi đến Việt Nam thậm chí không có chỗ ngồi trên sân khấu, nhiều nghệ sĩ phải đứng biểu diễn.
Các nghệ sĩ phải chia năm xẻ bảy, chỉ tập trung khi có lịch diễn và thuê được địa điểm. Do điều kiện kỹ thuật của khán phòng không được bảo đảm, họ thường hồi hộp cho chất lượng chương trình. Giới biểu diễn nhận xét hầu hết nhà hát tại thành phố xuống cấp, chưa đáp ứng tốt cho các chương trình nghệ thuật đại chúng, chứ chưa nói đến thể loại hàn lâm.
Dàn nhạc giao hưởng của nhà hát HBSO trình diễn ở Nhà hát TP.HCM. Ảnh: Trần Vương Thạch. |
Giới chuyên môn của dòng nghệ thuật hàn lâm phấn khởi trước quyết định xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng.
Trước nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung còn nhiều công trình cần đầu tư hơn là một nhà hát giao hưởng, nghệ sĩ violon Tăng Thành Nam chia sẻ Việt Nam là một đất nước vừa thoát nghèo, nhưng không nên để cái nghèo làm giảm đi bộ mặt văn hóa. Nhìn rộng ra, Singapore, Hong Kong... dù là quốc gia, vùng lãnh thổ với diện tích nhỏ, vẫn có nhà hát giao hưởng rất lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
"Một nhà hát có thể không phục vụ cho toàn bộ người dân, nhưng nó đánh dấu cột mốc về văn hóa của một khu dân cư, một thành phố. Có thể hiểu, thành phố giống như một khách sạn đánh sao, nhà hát là một trong những hạng mục cần có để đạt đủ sao. Thiếu một nơi trình diễn, tiếp cận văn hóa là đáng tiếc", nghệ sĩ nói.
Nghệ sĩ Tăng Thành Nam. |
Gắn với HBSO từ năm 1994, Phó giám đốc Nguyễn Tấn Anh cho biết quyết định vừa qua làm thỏa lòng chờ mong của anh chị em nghệ sĩ và giới mộ điệu âm nhạc hàn lâm. Hiện HBSO tăng lên ba chương trình mỗi tháng. Buổi nào họ không đăng ký diễn sẽ lập tức bị thay bằng À ố Show tại Nhà hát Thành phố. Sang năm, họ dự định diễn kín lịch cuối tuần, nâng số lượng lên bốn chương trình mỗi tháng. "Đó là tần suất diễn rất cao với một đơn vị nhạc hàn lâm và ballet", ông Tấn Anh nói.
Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy nhận định sau nhiều năm hội nhập, đất nước chưa có công trình tổ hợp nghệ thuật hoạt động đúng với chức năng, nhiệm vụ. Hiện tại, hai Nhà hát Lớn ở Hà Nội và TP.HCM cho diễn chung nhạc giao hưởng, opera, nhạc nhẹ... Việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch là tín hiệu đáng mừng đối với ngành văn hóa, nghệ thuật.
Từng dàn dựng âm nhạc và chỉ huy vở opera Lá đỏ ở Nhà hát Lớn TP.HCM và phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia TP.HCM, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận xét cơ sở vật chất của cả hai địa điểm trên đều thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu biểu diễn, thưởng thức âm nhạc thính phòng. Theo nhạc sĩ, các nhà quản lý cần tính toán cách vận hành, lực lượng biểu diễn, lực lượng khán giả khi nhà hát đi vào hoạt động. Cụ thể, nhà hát cần thu hút các nghệ sĩ giỏi ở trong, ngoài nước như Bích Trà, Đặng Thái Sơn, các dàn nhạc tầm cỡ như dàn nhạc giao hưởng Anh, Mỹ, Nhật Bản... "Nhà hát sẽ mang ý nghĩa là ngôi nhà chung của giới yêu nghệ thuật cả nước chứ không phải địa điểm của một đơn vị tại TP. HCM", Đỗ Hồng Quân nói.
Theo VNE