|
Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Ảnh: Interpol) |
Tin nhắn cuối cùng do Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ gửi cho vợ trước khi mất tích bí ẩn tại Trung Quốc là một biểu tượng hình con dao. Không lâu sau đó, Bộ Công an Trung Quốc ra thông cáo xác nhận ông Mạnh, người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an, đang bị điều tra vì nhận hối lộ và một số tội danh khác, song không nêu cụ thể về các cáo buộc này. Theo Bloomberg, vụ việc của ông Mạnh Hoành Vĩ là đòn giáng vào gia đình ông, tổ chức Interpol và cả khát vọng lãnh đạo các tổ chức quốc tế khác trong tương lai của Trung Quốc.
Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực trên, tác động của vụ Trung Quốc bắt giữ chủ tịch Interpol sẽ còn lan rộng hơn nữa trên phạm vi toàn cầu. Sự tham gia của Trung Quốc vào các tổ chức toàn cầu không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa nâng cao vị thế của Bắc Kinh, mà đó còn là sự cần thiết đối với chính các tổ chức quốc tế đó. Việc giải quyết các vấn đề toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, không đóng vai trò dẫn đầu trong tiến trình giải quyết đó.
Việc Trung Quốc đột nhiên bắt giữ và điều tra ông Mạnh Hoành Vĩ khi ông đang lãnh đạo một tổ chức quốc tế với hơn 190 quốc gia thành viên đã làm dấy lên nhiều quan ngại. Nếu các tổ chức toàn cầu không còn tin tưởng rằng chính quyền Trung Quốc sẽ không can thiệp vào công việc của tổ chức, thậm chí cảm thấy bất an khi bổ nhiệm người Trung Quốc vào các vị trí cấp cao, tính chính đáng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức đó chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Trước vụ bắt giữ chủ tịch Interpol, cộng đồng quốc tế từng chứng kiến một vụ việc cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của Trung Quốc trong các thể chế toàn cầu. Trong vòng 40 năm qua, Trung Quốc đã phát triển vượt bậc về kinh tế, quân sự và văn hóa. Khi vị thế càng tăng lên, chính quyền Trung Quốc càng muốn đóng vai trò lớn hơn trong việc thiết lập các chuẩn mực toàn cầu.
Vai trò trong các tổ chức quốc tế
|
Tổng thư ký Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế Liu Fang (Ảnh: Xinhua) |
Trong suốt nhiều năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng nhiều lần phàn nàn rằng cơ chế bỏ phiếu tại Ngân hàng Thế giới không ghi nhận đầy đủ vị thế của nền kinh tế Trung Quốc cũng như tiếng nói của các quốc gia đang phát triển khác. Năm 2016, Ngân hàng Thế giới đã phát tín hiệu cho thấy sự chấp thuận của tổ chức này đối với đề xuất của Trung Quốc bằng việc bổ nhiệm Yang Shaolin, một người mang quốc tịch Trung Quốc, trở thành lãnh đạo cấp cao số hai tại Ngân hàng Thế giới.
Ngoài Ngân hàng Thế giới, việc cất nhắc người Trung Quốc vào vị trí lãnh đạo của các tổ chức quốc tế khác cũng đều xuất phát từ hai động lực, thứ nhất là nhu cầu thực tế của chính tổ chức đó và thứ hai là mong muốn nâng cao vị thế của Bắc Kinh. Năm 2015, 192 quốc gia thành viên của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO), một cơ quan thiết lập các quy chuẩn về hàng không của Liên Hợp Quốc, đã bầu bà Liu Fang, một người Trung Quốc, làm tổng thư ký.
Quyết định bổ nhiệm bà Liu Fang không phải là chuyện ngẫu nhiên. Ngành hàng không thương mại phát triển thần tốc của Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt mặt Mỹ và vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới vào năm 2022. Rõ ràng, ICAO nói riêng và ngành công nghiệp hàng không toàn cầu nói chung cũng được hưởng lợi từ việc bổ nhiệm một lãnh đạo từ Trung Quốc để họ có thể kết nối với khu vực châu Á - nơi có ngành hàng không phát triển nhanh nhất thế giới.
Logic trên từng xảy ra, thậm chí còn ghi dấu ấn đậm nét hơn, trong trường hợp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong giai đoạn đại dịch SARS năm 2002-2003, sự thiếu hợp tác, minh bạch và lòng tin giữa các quan chức y tế của Trung Quốc và WHO khiến tình hình càng trở nên tồi tệ. Những nỗ lực hàn gắn khoảng cách giữa Trung Quốc và WHO chỉ thực sự phát huy hiệu quả vào năm 2006 khi Tiến sĩ Margaret Chan, một người gốc Hong Kong, được bầu vào vị trí lãnh đạo WHO.
|
Tổng giám đốc WHO Margaret Chan (Ảnh: WHO) |
Chỉ một ngày sau khi bà Chan được bầu, Trung Quốc đã gửi những mẫu xét nghiệm cúm gia cầm, vốn được chờ đợi từ rất lâu, cho Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ. Cũng trong nhiệm kỳ của bà Chan tại WHO, các thỏa thuận chia sẻ thông tin và chia sẻ mẫu bệnh toàn cầu mới được thúc đẩy. Theo Bloomberg, nếu lãnh đạo của WHO không phải người Trung Quốc, tổ chức này sẽ không đạt được những thành công như vậy.
Việc ông Mạnh Hoành Vĩ được bầu làm chủ tịch của Interpol, tổ chức kết nối cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia trên thế giới, vào năm 2016 cũng mang lại những tác động tích cực trên phạm vi toàn cầu. Sự tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây đã thúc đẩy liên kết kinh tế ngày càng mạnh mẽ hơn ở cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó cũng kéo theo sự bùng nổ của các hình thức tội phạm xuyên quốc gia như buôn lậu, làm hàng giả hay lừa đảo qua điện thoại, với xuất xứ từ Trung Quốc.
Việc Trung Quốc tham gia vào các tổ chức quốc tế đã mang lại những cơ hội mới cho quá trình hợp tác và chia sẻ thông tin toàn cầu. Các nước thành viên của Interpol đều thừa nhận rằng, tổ chức này sẽ dễ dàng hơn trong việc nắm bắt các cơ hội nếu trong ban lãnh đạo của Interpol có một quan chức cấp cao Trung Quốc - người có mối liên hệ với chính quyền Bắc Kinh cũng như hệ thống an ninh của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc tạm giữ ông Mạnh Hoành Vĩ mà không thông báo trước với Interpol đã cho thấy sự thiếu tôn trọng của Bắc Kinh đối với các quy chuẩn về quản trị quốc tế. Các tổ chức quốc tế sẽ cân nhắc nhiều hơn nếu muốn bầu một người Trung Quốc vào vị trí lãnh đạo. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc khó có thể đưa ra một lời hứa hẹn rằng họ sẽ tôn trọng các quy tắc quốc tế và không để xảy ra vụ việc tương tự trong tương lai. Đây là khó khăn đối với Trung Quốc và cũng là thách thức đối với các tổ chức quốc tế, vốn cần đến sự hợp tác toàn cầu, để quản lý và giải quyết tất cả các vấn đề hiện nay. |
Theo Dân Trí