Hôm 20/10, Trung Quốc hoàn thành thử nghiệm cất, hạ cánh thủy phi cơ AG600 ở một hồ lớn tại thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đây là chuyến bay thử nghiệm thứ 3 của AG600 kể từ sau các lần bay thử vào tháng 12/2017 và tháng 8/2018.
Thủy phi cơ lớn nhất thế giới AG600 của Trung Quốc. (Ảnh: China Daily) |
Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (CAIGA) đã mất 8 năm để nghiên cứu và chế tạo AG600 với kích cỡ tương đương một chiếc Boeing 737, trang bị 4 động cơ cánh quạt WJ-6, tầm hoạt động khoảng 4.500km, đạt tốc độ tối đa vào khoảng 555km/h, có thể chuyên chở 50 người và hoạt động liên tục trong suốt 12 giờ.
Bắc Kinh từng không ít lần tự hào khi AG600 xô đổ kỷ lục của ShinMaywa US-2 Nhật Bản và Beriev Be-200 Nga để trở thành thủy phi cơ lớn nhất thế giới với chiều dài thân máy là 39,3m, sải cánh là 38,8m.
Với trọng lượng cất cánh tối đa là 53,5 tấn, AG600 còn vượt xa US-2 và Be-200 với trọng lượng cất cánh lần lượt vào khoảng 40 - 45 tấn.
Theo như lời kỹ sư trưởng của dự án AG600 Hoàng Lĩnh Tài, thuỷ phi cơ này có thể thực hiện chuyến bay khứ hồi từ đảo Hải Nam tới bãi ngầm James do Malaysia quản lý (hiện Trung Quốc tuyên bố là điểm cực Nam của lãnh thổ nước này), mà không cần tiếp nhiên liệu.
Tầm hoạt động của AG600 cũng cho phép nó thực hiện các chuyến bay thẳng từ các căn cứ quân sự của Trung Quốc tới các đảo mà nước này bồi đắp phi pháp trên Biển Đông. Nguy hiểm hơn, siêu thủy phi cơ này còn có thể hoạt động ở nhiều vùng biển khác nhau trong mọi điều kiện thời tiết.
CAIGA từng khẳng định AG600 được chế tạo với 4 sứ mệnh: tìm kiếm và cứu hộ, cứu hỏa, vận tải và giám sát biển nhưng giới quan sát tin rằng với những thông số trên, Bắc Kinh rõ ràng đang phát triển AG600 cho mục đích quân sự.
Giới quan sát cho rằng mưu đồ của Bắc Kinh thâm sâu hơn rất nhiều so với những gì họ nói và việc truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố AG600 liên tiếp thực hiện bay thử nghiệm thành công cho thấy thủy phi cơ này đã sẵn sàng hoạt động.
Trước khi Trung Quốc công bố thử nghiệm thành công AG600, trên thế giới từng được biết đến những mẫu siêu thủy phi cơ uy lực, được dùng cho cả nhiệm vụ quân sự và dân sự.
Một trong những mẫu thuỷ phi cơ nổi tiếng nhất hiện nay là Beriev Be-200. Be-200 là dòng máy bay đa năng, có thể vừa làm nhiệm vụ chữa cháy, vừa làm nhiệm vụ vận tải hay tuần tra biển xa, tìm kiếm cứu nạn, thậm chí là máy bay chở khách dân dụng.
Briev Be-200 của Nga làm đầy khoang chứa nước. (Ảnh: MChS) |
Cận cảnh Be-200 của Nga làm nhiệm vụ cứu hoả. (Ảnh: MChS) |
Khi làm nhiệm vụ chữa cháy, khoang chứa và các thiết bị đặc biệt của Be-200 có thể mang theo "quả bom" nước tới 12 tấn, rất hữu dụng để dập tắt các đám cháy lớn, nhất là cháy rừng trên diện rộng.
Với tầm hoạt động 2.100km, nó có thể dễ dàng tiếp cận các đảo nhỏ trên biển xa trong điều kiện sóng biển cao tới 1,3m.
Thuỷ phi cơ Shinmaywa US-2 của Nhật Bản. (Ảnh: Aoshima) |
Tiếp theo phải kể đến là Shinmaywa US-2, mẫu thủy phi cơ cất cánh ngắn do công ty Shinmaywa tại Nhật sản xuất, được mệnh danh là chiếc thủy phi cơ đắt nhất thế giới (156 triệu USD). Được thiết kế cho nhiệm vụ cứu hộ trên biển, US-2 phục vụ trong Hạm đội Không quân 31 của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF), theo Naval Technology.
Hạm đội Shinmaywa US-2 được triển khai ở khu vực các đảo xa bờ của vùng đặc quyền kinh tế Nhật để thực hiện nhiệm vụ giám sát và hỗ trợ vận chuyển y tế khẩn cấp. US-2 dài 33,3m, sải cánh dài 33,2m, cao 9,8m. Cân nặng trống của máy bay là 25.630kg. Máy bay có thể chở theo 20 hành khách hoặc 12 cáng.
Theo VTC