|
Tướng Ngụy Phượng Hòa (hàng đầu) phát biểu tại hội nghị ADMM+. Ảnh: Reuters. |
"Vấn đề Đài Loan liên quan tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh. Nếu ai đó tìm cách chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ áp dụng những hành động cần thiết để ngăn việc này bằng mọi giá", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm nay phát biểu trong lễ khai mạc Diễn đàn An ninh Hương Sơn (BXF) lần thứ 8 tại thủ đô Bắc Kinh.
BXF diễn ra lần đầu năm 2006, được đánh giá là diễn đàn có quy mô tương tự Đối thoại Shangri-La do Singapore tổ chức hàng năm. Sự kiện năm nay có sự góp mặt của 500 quan chức từ 67 quốc gia và 7 tổ chức quốc tế, tập trung vào vấn đề an ninh toàn cầu, mối đe dọa và cách thức đối phó chủ nghĩa khủng bố, hợp tác duy trì an ninh hàng hải và nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Tướng Ngụy Phượng Hòa từng bày tỏ quan ngại trước chính sách của Mỹ với Đài Loan tại hội nghị ADMM+. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh đang chờ thống nhất, có thể dùng đến vũ lực nếu cần thiết. Trong khi đó, Washington luôn trấn an Bắc Kinh rằng chính sách "một Trung Quốc" của nước này không thay đổi.
Hải quân Mỹ hôm 22/10 điều tàu khu trục USS Curtis Wilbur và tuần dương hạm USS Antietam đi qua eo biển Đài Loan nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải. Đây là lần thứ hai tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong năm nay. Chuyến tuần tra có nguy cơ gây leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng được Đài Loan coi là hành động ủng hộ từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc còn tuyên bố nước này "sẽ không bao giờ từ bỏ một centimet chủ quyền", kể cả những khu vực như đảo Đài Loan và trên Biển Đông. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông bằng "đường 9 đoạn" do họ đơn phương vẽ ra, dù nó đi ngược với các quy định của luật pháp quốc tế và đã bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ.
|
Chiến hạm Trung Quốc (phải) áp sát tàu USS Decatur tại Trường Sa hôm 30/9. Ảnh: US Navy. |
Căng thẳng trên Biển Đông gần đây gia tăng sau khi Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông, khiến Trung Quốc hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.
Lầu Năm Góc gần đây bắt đầu tiến hành chiến dịch tự do hàng hải "cứng rắn hơn" trên Biển Đông, trong đó có chuyến tuần tra của tàu USS Decatur trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi cuối tháng 9. Trung Quốc đã triển khai một tàu khu trục lớp Type-052C cản trở và chạy cắt mặt, gây nguy hiểm cho khu trục hạm Mỹ.
Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phù hợp với UNCLOS, đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Theo VNE