Gần 20 cầu trên cao tốc 34.500 tỷ bị thấm dột là rất nghiêm trọng

Thứ năm, 25/10/2018, 14:15
Các chuyên gia cho rằng có gần 20 cầu trên cao tốc bị thấm dột là rất nghiêm trọng. Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan chức năng Trung ương vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Chiều 24/10, PV ghi nhận có gần 20 cây cầu trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bị thấm dột. Phóng viên đã nhiều lần liên hệ nhưng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chưa phản hồi. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng một dự án có quá nhiều cầu bị thấm dột như vậy là rất nghiêm trọng.

Gần 20 cầu và hầm chui bị thấm dột

Nhiều ngày qua, PV liên tục nhận được tin báo của người dân Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi về việc những cây cầu trên cao tốc qua 3 địa phương này bị thấm dột. Trong quá trình khảo sát từ Túy Loan (Đà Nẵng) vào đến huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), phóng viên ghi nhận có gần 20 cầu và hầm dân sinh bị hiện tượng trên.

Tại cầu VD07 ở Km 19+252, phóng viên nhận thấy ở mố cầu phía Bắc không bằng phẳng so với mặt đường. Dưới gầm cầu, nước vẫn rỉ từ trần xuống đất. Các thành cầu loang lổ những vết ẩm mốc, rêu xanh.

Toàn cảnh cầu VD07, đoạn tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ.

Cách cầu VD07 chừng 20km là cầu OP10, nằm ở vị trí Km 41+235 CT01. Dạ cầu loang lổ, vết của những lần bị thấm dột. Người dân địa phương nói rằng những hôm trời mưa nhỏ, cầu này cũng bị thấm nước.

Tương tự, cầu OP09A ở Km 40+880 đã được đưa vào sử dụng hơn một năm nhưng dưới gầm vẫn còn nham nhở. Thậm chí, sát thành cầu có vũng nước sâu khoảng 50cm.

Trên trần của chiếc cầu này, nhà thầu lắp sơ sài các ống nhựa thoát nước. Theo quan sát của phóng viên, có nhiều cầu vẫn còn lơ lửng các tấm ván gỗ, bẹ chuối trên trần. Hơn 15 cây cầu, hầm chui dân sinh khác trên tuyến cao tốc có tình trạng tương tự.

Cầu có hiện tượng thấm dột trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi:

VD06, VD07 (Km 19+252), OP20A (Km 100+846), CB25 (Km 92+538), CB05 (Km 14+270), ORP13 (Km 45+880),  cầu chui dân sinh gần ORP13, cầu Tam Kỳ (Km 68+418), cầu dân sinh ở Km 69+880, OP10 (Km 41+235), OP09A (Km 40+880), ORB27 (Km 104 +888 CT.01), VD09A (Km 107 +307 CT.01), VD09B (Km 107 + 829 CT.01), cầu chui dân sinh ở Km 106+730, Km 106 + 364,28, Km 104 +552, ORB28 (Km 115+999).

Thi công ẩu

Sau khi xem ảnh, về những cây cầu thấm dột trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Các chuyên gia có chung nhận định là nhà thầu thi công ẩu. Minh chứng là trên trần của một số cầu vẫn còn sót lại các tấm ván, bẹ chuối hoặc tấm xốp lơ lửng.

Theo kỹ sư Mai Công Sơn, trong quá trình thi công, nhà thầu thường sử dụng ván gỗ, bẹ chuối hoặc xốp để ép khuôn, đổ bê tông. Lúc bê tông khô, công nhân phải tháo các tấm ván gỗ, bẹ chuối ra rồi dùng vật liệu tương thích để chống thấm, tô trát lại trần cầu theo đúng thiết kế. "Tuy nhiên, nhiều cầu trên cao tốc vẫn còn các tấm ván chứng tỏ họ thi công ẩu", kỹ sư Sơn nói.

Cầu OP09A bị thấm dột chỉ sau vài trận mưa.

Cao độ mặt đường tại khe co giãn 2 đầu cầu thấp hơn so với cao độ trên mặt cầu và mặt đường, dẫn đến việc mặt cầu bị tụ thủy khi trời mưa. Nước mưa sẽ chảy xuống 2 khe co giãn và xuống đất. Tình trạng này kéo dài, nước mưa sẽ thấm vào các đầu dầm làm gỉ thép và cáp đầu dầm.

"Nếu nhà thầu không xử lý sớm sẽ làm giảm cường độ chịu lực của dầm cầu. Có gần 20 cầu bị phát hiện thấm dột như thế là rất nghiêm trọng đối với một công trình", kỹ sư Tiến nói và cho biết có rất ít dự án nào nhiều cầu bị thấm dột như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Cầu có hiện tượng thấm dột trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi:

VD06, VD07 (Km 19+252), OP20A (Km 100+846), CB25 (Km 92+538), CB05 (Km 14+270), ORP13 (Km 45+880),  cầu chui dân sinh gần ORP13, cầu Tam Kỳ (Km 68+418), cầu dân sinh ở Km 69+880, OP10 (Km 41+235), OP09A (Km 40+880), ORB27 (Km 104 +888 CT.01), VD09A (Km 107 +307 CT.01), VD09B (Km 107 + 829 CT.01), cầu chui dân sinh ở Km 106+730, Km 106 + 364,28, Km 104 +552, ORB28 (Km 115+999).

Các kỹ sư, chuyên gia cầu đường đều cho rằng một dự án có đến 20 cây cầu bị thấm dột là quá bất thường. Tình trạng này do thi công không đảm bảo độ chặt của nền đường, mặt cầu.
Khi thi công, xử lý chống thấm không tốt khiến việc giải quyết hậu quả của nó rất khó khăn. Nếu tình trạng thấm dột kéo dài dễ dẫn đến hỏng cốt thép, đặc biệt là thép kéo dự ứng lực, dẫn đến gãy dầm chịu lực.

Dự án có vấn đề về chất lượng

Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia bất ngờ trước việc có gần 20 cầu và hầm chui trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị thấm dột. GS.TS. Nguyễn Trọng Hòa (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM - Sở QHKT) cho rằng cao tốc mới đưa vào khai thác mà liên tục xảy ra sự cố (như bong tróc mặt đường, chi chít "ổ gà" và đến giờ là cầu thấm dột) thì chứng tỏ công trình này có vấn đề về chất lượng.

GS.TS. Nguyễn Trọng Hòa kiến nghị các cơ quan Trung ương cần gấp rút vào cuộc để thanh tra, giám định chất lượng công trình đối với dự án này. “Không thể chần chừ việc giám định nữa. Cơ quan chức năng cần làm rõ đến cùng, sai đến đâu để còn có phương án khắc phục, xử lý", GS.TS Hòa nói.

Vị chuyên gia này cho rằng trong quá trình thanh tra, giám định, nếu cơ quan chuyên môn phát hiện vụ việc có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tập thể, cá nhân liên quan.

Tuy nhiên, "việc sửa chữa các hư hỏng nói trên cần phải làm ngay”, vị giáo sư nhấn mạnh.

Gầm cầu OP10 đầy nước, hai bên thành cầu vẫn còn thấm dột, rêu xanh.

Kỹ sư Mai Công Sơn đề nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu phải kiểm tra lại cao độ mặt đường tại các khe co giãn, sau đó khắc phục sự cố càng sớm càng tốt.

Về biện pháp chống thấm, kỹ sư Sơn nói: “Nếu bị thấm do kết cấu thì phải cào hết lớp bề mặt, dùng nhựa bê tông chặt có chứa chất chống thấm để thảm lại mặt đường”.

Thấm ở các mố cầu thì nhà thầu phải đục hết lớp cũ ra làm lại toàn bộ. Còn thấm ở gần các ống thoát nước, nhà thầu phải kiểm tra lại mức độ thấm dột để phủ vật liệu chống thấm lên bề mặt.

“Nếu không chống thấm kịp thời sẽ dẫn đến việc gỉ sắt trong cầu và giảm sức chịu lực của cầu”, kỹ sư Nguyễn Văn Tiến khuyến cáo. Cả hai kỹ sư trên cho biết dù chống thấm bằng cách nào thì cũng sẽ để lại những dấu vết ở lớp bề mặt công trình và giảm đi tính thẩm mỹ.

Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc

Nguyên Giám đốc Sở QHKT TP.HCM cho rằng ông rất thất vọng khi biết dự án có số vốn hơn 34.500 tỷ đồng mới khai thác mà đã xảy ra sự cố. GS.TS. Nguyễn Trọng Hòa cho rằng rất mừng khi Zing.vn đã phát hiện kịp thời, phản ánh và cảnh báo để cơ quan chức năng vào cuộc sớm.

"Quốc hội có tránh nhiệm giám sát nên cần phải đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự để các đại biểu thảo luận, chất vấn, làm rõ", ông Hòa nêu ý kiến.

GS.TS Hòa cho rằng việc Thanh tra của Bộ GTVT vào cuộc thanh tra là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, do chủ đầu tư là đơn vị kinh tế của Bộ này nên việc thanh tra cần phải có sự giám sát của Quốc hội để đảm bảo sự công tâm, khách quan.

Theo ông Hòa, trong vụ việc này Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc. "Thanh tra Chính phủ thanh tra dự án với sự giám sát của các cơ quan chuyên trách Quốc hội. Việc giám định cần chính xác, khách quan. Đây là lúc Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ vào cuộc", GS.TS Hòa kiến nghị.

Cận cảnh trần cầu OP10.

Đồng quan điểm, TS Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trường TP.HCM) cho rằng trước mắt Quốc hội phải đưa vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng vào nhóm vấn đề của chương trình nghị sự để các đại biểu thảo luận, chất vấn.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn phải vào cuộc kiểm định chất lượng công trình, điều tra làm rõ cá nhân, tập thể sai phạm (nếu có). Theo ông, nếu đoàn thanh tra chỉ đi khảo sát, xem bên ngoài và nghe báo cáo thì không có tác dụng.

"Điều cần làm ngay lúc này là các đại biểu phải lên tiếng, phản ánh vấn đề để Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra. Với sự phản ánh của truyền thông những ngày qua, tôi tin Quốc hội không thể không biết”, ông Cương nêu ý kiến.

Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM nói thêm nếu các cơ quan chức năng chần chừ thì hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng. Điều quan trọng là niềm tin của người dân sẽ giảm sút.

Ngày 8/10, PV phát hiện những điểm hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sau khi phản ánh tình trạng hư hỏng mặt đường khi vừa khai thác, các kỹ sư chỉ ra những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng xuất hiện "ổ gà, ổ trâu" trên cao tốc, ngày 10/10 Tổng cục Đường bộ vào cuộc kiểm tra.

Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT làm rõ nguyên nhân hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trách nhiệm của đơn vị thi công và xử lý quyết liệt.

Sau đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu VEC tạm dừng thu phí để khắc phục hư hỏng, nghiêm khắc phê bình Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc VEC. Đồng thời Bộ GTVT yêu cầu HĐTV chỉ đạo rà soát, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.

Ngày 13/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ thị sát cao tốc và cho rằng cao tốc bị hư hỏng là có vấn đề. Bộ GTVT tiếp tục phê bình VEC, nhà thầu, tư vấn giám sát.

Ngày 16/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan trong việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng sau khi vừa đưa vào khai thác.

Cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể ký quyết định thanh tra đột xuất đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo Zing

Các tin cũ hơn