Chuyên gia thẩm định cầu Bạch Đằng: "Vênh như vậy là hơi nhiều"

Thứ ba, 06/11/2018, 16:46
"Dứt khoát phải sửa chữa hiện tượng lồi lõm ở cầu Bạch Đằng, tuy nhiên nếu sửa không tính toán kỹ thì tuổi thọ cầu sẽ bị ảnh hưởng", chuyên gia Nguyễn Văn Nhậm chia sẻ với PV.


Cảnh dập dềnh khi ngồi trên ôtô đi qua cầu Bạch Đằng. Ngồi trên tùy loại ôtô, người đi đường có thể cảm nhận được độ dập dềnh nhiều hoặc ít khi lưu thông qua khu vực có các đốt dầm bị vênh tại cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh).

Để giải đáp các câu hỏi quanh hiện tượng lồi lõm, võng vênh trên mặt cầu Bạch Đằng, PV trao đổi với ông Nguyễn Văn Nhậm, giảng viên bộ môn Cầu - Hầm (Đại học Giao thông Vận tải), chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng.

Ông Nhậm là một trong các chuyên gia thẩm định cầu Bạch Đằng sau khi có thông tin cây cầu lún võng, di chuyển không êm thuận.

Cầu Bạch Đằng mới thông xe đã có hiện tượng lồi lõm mặt cầu khiến xe cộ di chuyển không êm thuận. Theo ông, nguyên nhân là gì?

Ông Nguyễn Văn Nhậm, chuyên gia thành viên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng

Như chủ đầu tư đã giải trình, các điểm võng, vênh tập trung ở 2 mối hợp long của cầu. Do hiện tượng chênh lệch cao độ giữa các đốt đúc.

Khi đơn vị thi công ghép các khối dầm, lỗi của họ là điều chỉnh các khối chưa tốt dẫn đến mặt bê tông mấp mô. Sau đó việc bù lõm bằng bê tông nhựa cũng không cẩn thận khiến mặt cầu lồi lõm.

Theo tôi được biết, vừa qua chủ đầu tư cũng đã đo đạc lại các thông số của cầu. Việc đo đạc là để so với số liệu ban đầu khi mới khánh thành xem có chênh lệch, võng thêm hay không, cũng là là để tính toán việc thảm lại bê tông nhựa bù vênh.

So với các cầu dây văng lớn ở Việt Nam, cầu Bạch Đằng có nhịp ngắn hơn nhiều. Vì sao vẫn để xảy ra hiện tượng vênh lớn ở các đốt dầm khi hợp long?

Tôi đã ghé sát xuống mặt đường để quan sát độ lồi lõm. Vênh như vậy là hơi nhiều. Quan điểm của tôi là dứt khoát phải sửa chữa, không thể để như thế được.

Độ dài nhịp của cầu Bạch Đằng còn thua rất nhiều cây cầu ở Việt Nam. Cầu Nhật Tân có nhịp dài 330m, cầu Cần Thơ nhịp 550m, trong khi nhịp cầu Bạch Đằng chỉ hơn 220m.

Cầu Bạch Đằng (trái) trụ tháp văng dây thấp trong khi cầu Nhật Tân (phải) có trụ tháp cao, đủ tiêu chuẩn.

Nhịp càng dài thì việc căn chỉnh độ vênh khi hợp long càng khó. Lấy cầu Nhật Tân ở Hà Nội để so sánh, cũng là cầu dây văng cỡ lớn nhưng cầu này không bị vênh, do có cấu trúc thép mềm dẻo hơn.

Tôi đã ghé sát xuống mặt đường để quan sát độ lồi lõm. Vênh như vậy là hơi nhiều.

Chuyên gia Nguyễn Văn Nhậm

Mặt khác, cầu Nhật Tân có độ cao từ mặt cầu đến đỉnh tháp đủ tiêu chuẩn của cầu dây văng. Trong khi cầu Bạch Đằng phải thiết kế trụ tháp thấp do ở gần sân bay Cát Bi khiến việc điều chỉnh cao độ các khối đúc bị hạn chế (do góc nghiêng của dây văng so với mặt phẳng nằm ngang nhỏ - PV).

Nếu dây văng của cầu Bạch Đằng có góc nghiêng so với mặt phẳng ngang lớn, việc điều chỉnh hiện tượng võng, vênh mặt cầu sẽ rất dễ, chỉ cần kéo căng các dây văng.

Khi nhận ra dấu hiệu vênh tại cầu Bạch Đằng, đơn vị thi công cũng điều chỉnh bằng cách căng dây nhưng do trụ tháp thấp nên cũng chỉ điều chỉnh đến một ngưỡng nhất định. Néo quá sẽ đứt dây.

Chủ đầu tư cho biết đã phát hiện vênh từ lúc hợp long. Theo ông vì sao ngay thời điểm đó họ không giải quyết triệt để?

Khi thấy mặt bê tông cốt thép bị lồi lõm thì phải đo đạc lại rồi thảm bê tông nhựa theo hướng bù lõm (chỗ cao nhất rải 7cm, những chỗ lõm dần rải 8-9cm) mới tạo thành mặt đường đẹp.

Tôi cho rằng trong quá trình thi công, các nhà thầu cứ thảm bê tông nhựa, vì khi đó sắp đến thời hạn nghiệm thu nên chủ đầu tư “cuống”, không kịp điều chỉnh.

Nếu cứ thảm đều 7 cm thì chẳng khác nào một lớp áo bó trên thân hình xấu xí, mọi khuyết điểm đều lộ hết ra ngoài.

Chuyên gia Nguyễn Văn Nhậm

Nhà thầu thảm bê tông nhựa lên toàn bộ mặt cầu với độ dày 7 cm theo đúng thiết kế, nhưng đó là thiết kế trong trường hợp mặt bê tông cốt thép bên dưới đã đều rồi. Mặt bê tông không đều thì phải bù. Khi xuống thực địa, tôi có hỏi vì sao lại xử lý kiểu này thì được biết nguyên nhân do áp lực về tiến độ.

Tốt nhất là ngay khi nhận ra mặt bê công cốt thép không bằng phẳng, chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu thảm bê tông nhựa theo phương pháp bù lõm. Nếu cứ thảm đều 7 cm thì chẳng khác nào một lớp áo bó trên thân hình xấu xí, mọi khuyết điểm đều lộ hết ra ngoài.

Với độ vênh như hiện tại, ông đánh giá thế nào về an toàn lưu thông của phương tiện qua cầu?

Tôi cho rằng cầu vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, không lo ngại chuyện sập, đổ. Trước khi thông xe cầu đã được thử tải bằng cách xếp 30 xe tải cỡ lớn lên cầu, mọi thông số đều ổn định.

Mức độ an toàn cho phương tiện di chuyển phụ thuộc vào bán kính cong và độ nhám mặt đường, những số liệu này tôi chưa nắm được. Tuy nhiên, mức độ an toàn cũng tùy thuộc vào loại phương tiện đi qua cầu.

Hôm trước tôi ngồi trên chiếc Fortuner đi qua cầu với tốc độ 100km, thấy cũng không êm lắm, nhưng tạm chấp nhận được. Nếu đi qua cầu bằng xe “cọc cạch”, có hệ thống giảm xóc yếu thì cũng nên đi chậm cho an toàn.

Vị trí đường bị võng xuất hiện ở mối 2 hợp long của cầu.

Hiện tượng vênh mặt cầu do quá trình hợp long không khớp ảnh hưởng thế nào đến tuổi thọ công trình?

Nếu việc sửa chữa không được tính toán kỹ thì tuổi thọ công trình sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu việc sửa chữa không được tính toán kỹ thì tuổi thọ công trình sẽ bị ảnh hưởng.

Chuyên gia Nguyễn Văn Nhậm

Bây giờ nếu chủ đầu tư muốn bù vênh thì phải nhờ tư vấn thiết kế xác định khối lượng bù thêm. Phải tính toán xem khi thảm thêm bê tông nhựa thì trọng lượng mặt cầu nâng lên bao nhiêu, từ đó yêu cầu thiết kế tính lại tất cả các bộ phận xem mức độ ảnh hưởng như thế nào.

Trước khi bù vênh dứt khoát phải có bản thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện tại khi việc sửa chữa chưa tiến hành, ông có khuyến cáo gì với đơn vị khai thác, bảo trì cũng như những người tham gia giao thông trên cầu?

Đơn vị khai thác phải cập nhật số liệu quan trắc thường xuyên. Phải thường xuyên đo cao độ mặt cầu xem có chuyển biến không để sửa chữa ngay. Phải chú ý điều tiết giao thông đảm bảo phương tiện đi lại an toàn.

Về phía người đi đường, cũng cần linh hoạt trong viêc di chuyển. Nếu đường đẹp, xe giảm xóc tốt thì cứ yên tâm đi theo tốc độ cho phép. Nhưng trường hợp này đường mấp mô không êm thuận, nếu xe có giảm xóc yếu cũng nên giảm tốc độ để đảm bảo an toàn.

Cảm ơn ông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu kiểm tra

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký văn bản yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh và Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng kiểm tra, xử lý thông tin về chất lượng thi công cầu Bạch Đằng.

Theo đó, Sở GTVT Quảng Ninh phải khẩn trương yêu cầu nhà đầu tư là Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn chuyển giao công nghệ, tư vấn giám sát kiểm tra hiện trường, nghiên cứu, đánh giá các yếu tố kỹ thuật của cầu, trắc dọc cầu, ổn định trụ tháp, ứng suất dây văng...

Nhà đầu tư phải có giải pháp xử lý, khắc phục để đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện tham gia lưu thông và an toàn công trình.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải cung cấp thông tin đầy đủ đến các cơ quan truyền thông.

Theo Zing

Các tin cũ hơn