Hạ Kiến Khuê, nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố tạo hai em bé song sinh được điều chỉnh gene đầu tiên trên thế giới, không đi theo hướng phát triển sự nghiệp truyền thống. Ông hầu như không nói đến nghiên cứu của mình với ai trên con đường theo đuổi một mục tiêu lớn hơn – đó là làm nên lịch sử.
Khát vọng to lớn của ông Hạ bắt đầu thành hình vào năm 2016, một năm sau khi nhóm các nhà nghiên cứu khác tại Trung Quốc dấy lên cuộc tranh cãi toàn cầu với tiết lộ rằng họ đã chỉnh sửa ADN của phôi thai người trong phòng thí nghiệm. Từ đó, nhà khoa học trẻ sớm quyết tâm thúc đẩy lằn ranh y đức tiến xa hơn nữa.
Hạ Kiến Khuê được đào tạo tại Mỹ và từng nhắc tới hoài bão biến đổi gene với cố vấn học tập ở Đại học Stanford. Hồi tháng 10, ông tiết lộ với AP rằng đã tiến hành thí nghiệm hơn 2 năm và trong suốt thời gian đó, ông giữ kín bí mật với chính những nhân viên y tế tham gia nghiên cứu và cả cấp trên.
Ông Hạ tận dụng những quy định lỏng lẻo và nguồn kinh phí dồi dào tại Trung Quốc. Trong vài trường hợp, ông lách qua được những quy định địa phương và thậm chí là cả luật pháp.
“Hoài bão khổng lồ ở Trung Quốc, khát khao trở thành người đầu tiên, đụng độ với mong muốn tạo ra và củng cố những tiêu chuẩn”, Jing-Bao Nie, chuyên gia về đạo đức sinh học Trung Quốc tại Đại học Otago, New Zealand, nói.
Tuần này, trước thềm hội nghị quốc tế về biến đổi gene ở Hong Kong, nhà khoa học Trung Quốc 34 tuổi làm cả thế giới choáng ngợp với tuyên bố đã sử dụng công nghệ CRISPR chỉnh sửa thành công ADN của cặp bé gái song sinh chào đời.
Nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê tại phòng thí nghiệm ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Tuy AP vẫn chưa thể kiểm chứng độc lập các tuyên bố của ông Hạ và nghiên cứu cũng chưa được xuất bản trên bất kỳ tạp chí khoa học nào, lời khẳng định đó đã nhanh chóng thu hút phản ứng mạnh mẽ từ cả giới nghiên cứu lẫn các cơ quan quản lý.
Giới khoa học chính thống Trung Quốc và toàn cầu lên án thí nghiệm này đáng lẽ không bao giờ được phép tiến hành.
“Họ chọn cách rút ngắn toàn bộ quy trình. Họ không tuân theo quy định thông thường và có thể gây thiệt hại lớn”, Tiến sĩ Kiran Musunuru, chuyên gia chỉnh sửa gene tại Đại học Pennsylvania, nhận định.
Hôm 27/11, Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã ra lệnh điều tra về thí nghiệm của ông Hạ. Phòng thí nghiệm được đặt tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Hiện chưa rõ nhà khoa học này có phải đối mặt với cáo buộc về tội hình sự hay không.
Quỹ đạo phát triển của ông Hạ cũng không đi theo "kịch bản" dự kiến. Khác với những gì các nhà khoa học thường làm, hầu như mọi nghiên cứu trước đó của ông về biến đổi gene chuột và khỉ đều không được công bố. Cách ông Hạ thúc đẩy nghiên cứu mới nhất cũng bao gồm những quyết định còn nhiều nghi vấn về tính bí mật và đạo đức y học.
“Nếu bạn định làm thứ gì đó gây tranh cãi và sớm như thế này, hay mong trở thành người đi đầu phong trào, thì bạn sẽ muốn làm việc một cách gương mẫu”, Tiến sĩ Eric Topol, người đứng đầu Viện Khoa học Tịnh tiến Scripps tại California, nhận định.
Hạ Kiến Khuê, sinh năm 1984, kể rằng bố mẹ làm nông dân. Vào thời điểm đó, Trung Quốc bắt đầu thoát khỏi sự cô lập từ thời Mao Trạch Đông với thu nhập trung bình hàng năm chỉ ở mức 300 USD. Điện thoại là vật quý hiếm và nhiều ngôi làng vẫn chưa được thông bằng đường nhựa.
Ban đầu, Hạ đi theo con đường của các nhà khoa học cùng thế hệ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Công nghệ Trung Quốc, ông tới Mỹ học cao học. Năm 2010, ông Hạ lấy bằng tiến sĩ ngành lý sinh tại Đại học Rice và tiếp tục nghiên cứu một năm tại Stanford. Stephen Quake, thầy giáo hướng dẫn tại Stanford, mô tả nghiên cứu sinh của mình là người “vô cùng sáng dạ” và “sẵn sàng áp dụng công nghệ mới vào sinh học”.
Năm 2012, Hạ về nước nhận công việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam, một cơ sở nghiên cứu mới mở được một năm và được chính quyền thành phố Thâm Quyến trợ cấp kinh phí.
“Cậu ấy rất quan tâm tới ý tưởng chỉnh sửa bộ gene ở người”, và trường hợp nào thì phù hợp tiến hành nghiên cứu, ông Quake cho biết. Hồi tưởng lại những lần nhà khoa học Trung Quốc tìm đến văn phòng ông, ông Quake nói chỉ đưa ra nhận xét chứ không giám sát nghiên cứu.
Công trình của Hạ Kiến Khuê có sự hỗ trợ từ chương trình chiêu mộ các nhà khoa học Trung Quốc ở nước ngoài về quê nhà. Nếu là ở Mỹ hay hầu hết quốc gia châu Âu, thí nghiệm biến đổi gene phôi thai người có thể đã không được tiến hành hợp pháp.
Nhà khoa học Hạ Kiến Khuê trả lời phỏng vấn tại phòng thí nghiệm ở Thâm Quyến, Quảng Đông. Ảnh: AP. |
Hồi tháng 10, ông Hạ nói với AP rằng việc chỉnh sửa gene của phôi thai mà cho ra đời em bé còn sống là hợp pháp tại Trung Quốc, vì nước này không có luật cụ thể.
Trung Quốc nghiêm cấm nhân bản vô tính người. Năm 2003, Bộ Y tế cũng chỉ ban hành bản hướng dẫn các phòng khám thụ tinh trong ống nghiệm, trong đó, cấm “những thí nghiệm lâm sàng vi phạm nguyên tắc đạo đức”.
Đối với nhà khoa học trẻ, những câu chữ mơ hồ này là cơ hội. Và đôi khi, các nhà nghiên cứu, dù là người Trung Quốc hay nước ngoài, có thể tìm thấy hỗ trợ tài chính và điều kiện thuận lợi ở Trung Quốc để thực hiện những dự án “phi truyền thống” khó có được sự cho phép hay nguồn tài trợ ở Mỹ hoặc châu Âu.
Ren Xiaoping, bác sĩ phẫu thuật với hoài bão thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên, từng làm việc nhiều năm ở các bệnh viện Mỹ nhưng cũng về nước khi một viện ở Thẩm Dương đồng ý hỗ trợ nghiên cứu của ông.
Guoping Feng, nhà tâm thần học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), làm việc với cơ sở nghiên cứu ở tỉnh Quảng Đông. Đây là nơi các cộng sự của ông điều chỉnh gen của khỉ bị rối loạn não bộ nhằm nghiên cứu về sự phát triển các triệu chứng giống tự kỷ. So với các nước khác, Trung Quốc có ít quy định hơn trong việc hạn chế sử dụng động vật làm đối tượng thí nghiệm.
Năm 2016, Hạ Kiến Khuê nhờ nhóm hỗ trợ người bị AIDS tại Bắc Kinh tìm kiếm đối tượng tham gia nghiên cứu – những cặp đôi đang cố gắng có con nhưng người nam dương tính với HIV.
Y học phát triển hiện có nhiều cách để ngăn ngừa HIV lây nhiễm trong quá trình thụ thai nhân tạo, nhưng thay vào đó, mục tiêu của ông Hạ là “viết lại” bộ gene trước khi con của cặp đôi được sinh ra để chúng ít khả năng nhiễm HIV hơn.
Một số nhà khoa học khác từng thử nghiệm kỹ thuật chỉnh sửa gene tương tự lên các tế bào trong phòng thí nghiệm để ngừa bệnh di truyền. Tuy nhiên, những thí nghiệm đó đều không cho ra đời em bé còn sống.
Đối với việc sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa CRISPR, ông Hạ không được các cơ quan quản lý nhà nước thông qua mà chỉ ghi danh công trình vào bản đăng ký thí nghiệm lâm sàng ngày 8/11, tức là rất lâu sau thời điểm bắt đầu nghiên cứu.
Phòng thí nghiệm của ông cũng bỏ qua nhiều quy chuẩn. Ví dụ, cơ sở này không thông báo cho toàn bộ nhân sự trực tiếp hỗ trợ các cặp đôi tham gia nghiên cứu rằng công việc của họ có liên quan tới biến đổi gene. Theo nhà phôi học Qin Jinzhou, một trong những người tham gia nghiên cứu, các nhân viên tin rằng họ đang giúp đỡ những ca thụ tinh trong ống nghiệm thông thường, với thêm một bước nữa là lập bản đồ gene, chứ không phải là kiểm soát phôi thai.
Mẫu đơn chấp thuận của bệnh nhân cũng đề cập tới nghiên cứu này một cách không chính xác, coi đây chỉ là một chương trình “phát triển vaccine AIDS”.
Khay vi thể chứa phôi thai đã được cấy thêm protein Cas9 và PCSK9 sgRNA tại phòng thí nghiệm ở Thâm Quyến, Quảng Đông. Ảnh: AP. |
Bên cạnh đó, ông Hạ tìm đến lời tư vấn từ ủy ban đạo đức không thuộc các bệnh viện liên quan trong nghiên cứu. Lin Zhitong, người sáng lập Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em Harmonicare ở Thâm Quyến, nói với AP rằng ủy ban đạo đức của bệnh viện có đưa ra lời khuyên với ông Hạ nhưng không có bất kỳ sự tham gia nào khác.
Theo ông Lin, việc giữ bí mật đối với nhân sự là chấp nhận được bởi một số bác sĩ sản có thể sẽ không đồng ý giúp các cặp đôi dương tính với HIV. Nhưng, chính Lin nói rằng ông không phải bác sĩ hay nhà khoa học. Ông đến từ một gia đình phát triển bất động sản bệnh viện.
Theo chuyên gia Nie, việc lừa dối đối tượng tham gia nghiên cứu không phải là quy trình chuẩn ở Trung Quốc, “và vi phạm tinh thần của một bản thỏa thuận có hiểu biết” (tài liệu diễn giải đầy đủ những gì xảy ra trong thử nghiệm để bệnh nhân ký đồng ý tự nguyện tham gia hay không).
“Trong một vài trường hợp, ủy ban đạo đức chỉ là một con dấu cao su”, Nie nói, ám chỉ những cơ quan tắc trách.
Sau khi nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố thí nghiệm thành công, Harmonicare lại phát thông cáo lên án việc chỉnh sửa gen ở người và cho biết sẽ điều tra bất kỳ mối liên hệ nào với phòng nghiên cứu của ông Hạ.
Chính trường đại học của nhà khoa học trẻ cũng không biết về những bí mật. Theo thông cáo của Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam, trường không nhận được thông tin về công trình của ông Hạ, đồng thời cho rằng việc này “vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn và đạo đức học thuật”.
Trong lúc đó, ông Hạ đã công bố một số kết quả nghiên cứu trên Youtube bằng tiếng Anh, thay vì tiếng Trung. “Ông ấy muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Giờ thì ông đã có những thứ ông thực sự muốn”, Nie nói.
Trả lời phỏng vấn ở phòng nghiên cứu tại Thâm Quyến hồi tháng 10, nhà khoa học trẻ cho rằng những em bé chỉnh sửa gene là điều tất yếu sẽ xảy ra và ông muốn là người đầu tiên.
“Sẽ có một ai đó, ở đâu đó, đang thực hiện việc này. Nếu không phải tôi thì vẫn sẽ có người khác”, ông Hạ nói.
Theo Zing