Ba, mẹ các hiệp sĩ bị băng trộm SH đâm chết: "Con tôi chết máu chảy thành sông"

Thứ năm, 29/11/2018, 13:18
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng Châu Phú nói rằng Phú không là đồng phạm giết người. Mẹ hiệp sĩ Thôi lập tức gào khóc: "Con tôi chết oan chết ức, máu chảy thành sông mà nói không có ý giết người là sao?"

Bà Ô nói không thể quên được khoảng thời gian hơn 20 năm cùng con mưu sinh ở Sài Gòn

26 năm cùng con ở Sài Gòn và ngày "con chết không nhắm mắt'

Sáng 29.11, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ 'hiệp sĩ đường phố' Q.Tân Bình (TP.HCM) bị tấn công trong lúc bắt trộm xe khiến 2 'hiệp sĩ' Nguyễn Văn Thôi, Nguyễn Hoàng Nam tử nạn và 3 'hiệp sĩ' khác bị thương.

Hai bị cáo Nguyễn Tấn Tài (biệt danh Tài mụn), Nguyễn Hoàng Châu Phú bị truy tố về 3 tội danh giết người, cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản. Ngoài ra, cáo trạng còn truy tố Ngô Văn Hùng, Trịnh Thị Như về tội che giấu tội phạm.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 29.11

Phiên xử không còn chỗ ngồi. Khi đại diện Viện Kiểm sát đọc bản cáo trạng, đến đoạn nói về hành vi của các bị cáo thì bà Nguyễn Thị Ô (66 tuổi, quê Bình Định, mẹ 'hiệp sĩ' Thôi) không còn giữ được bình tĩnh. Bà uất nghẹn: "Con tôi chết oan ức! Tôi không muốn mấy người này chết để đền tội mà phải sống để lo cho tôi để nó biết, nó hiểu..."

Bà Ô kể, 26 năm bà cùng con là anh Thôi mưu sinh ở Sài Gòn. Khó khăn, thiếu thốn gì cũng có nhau được. Bà làm tất cả mọi việc có thể từ nấu ăn đến giữ con cho người ta để kiếm tiền. "Thằng Thôi cũng vậy, nó đi làm đủ thứ. Nó đi bán phở, đi sửa xe, chạy xe... Ai kêu gì làm nấy. Thấy vậy có tiền cũng gửi cho mẹ", bà Ô nghẹn ngào.

Bà Ô khóc nhưng nước mắt không chảy mà nấc nghẹn nơi cổ họng, tay run run hỏi tôi có thấy vợ anh Thôi (đã ly hôn cách đây 9 năm - PV) hay không. Rồi bà kể: "Hai năm nay, cô về Bình Định để sống. Cô có nói Thôi ơi, bỏ Sài Gòn, về quê ở đi con! Nhưng nó nói: 'Con không về được, xa con trai của con con nhớ chịu không nổi!".

Bà Ô luôn uất nghẹn khi được nói: "Con tôi chết oan chết ức!"

Tay bà Ô run run đập xuống bàn: "Ngày thằng Thôi mất, nó không nhắm mắt. Nó đợi vợ, con nó tới nhìn mặt lần cuối rồi vuốt mặt nó nó mới nhắm mắt".

Khi luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng Châu Phú nói rằng Phú không phải là đồng phạm giết người. Bà Ô lập tức gào khóc: "Con tôi chết oan chết ức, máu chảy thành sông mà nói không có ý giết người là sao?".

Nói trước tòa, bà Ô đanh thép: "Con tôi đã chết rồi. Giờ giết nó (các bị cáo - PV) cũng tội nhưng vẫn phải xử. Xử làm sao để đúng người đúng tội. Tôi không chấp nhận hình phạt tù..."

Không tiền bạc nào bù đắp được nỗi đau này

Ông Nguyễn Hiếu Hoàng (cha 'hiệp sĩ' Nguyễn Hoàng Nam) và bà Lâm Thị Nhung (mẹ hiệp sĩ Nam, ngụ Đồng Nai) lặng lẽ mang di ảnh con trai đến tòa. Ông Hoàng bức xúc trước lời biện minh của hai bị cáo và luật sư rằng bị cáo mang dao theo để trộm xe chứ không phải để chống trả.

Mang di ảnh con trai đến tòa để chứng kiến kẻ thủ ác đền tội nhưng mẹ anh Nam nói rằng, dù có xử lý thế nào thì nỗi đau này không thể bù đắp được

Ông Hoàng nói trước tòa: "Lẽ thường ai cũng hiểu bị cáo đi ăn trộm mà tại sao đem theo hung khí? Đem hung khí là đầu trộm đuôi cướp. Nếu 3 người (3 'hiệp sĩ' bị hại - PV) ngồi đây mà chết nữa thì không biết luật sư bào chữa làm sao? Tôi đề nghị phải xử nghiêm minh, với mức án cao nhất.

Bà Nhung cho biết gia đình định không yêu cầu bồi thường nhưng phía cơ quan điều tra nói gia đình nên đưa ra mức yêu cầu bồi thường vì đã chịu thiệt thòi nhiều rồi. "Nhưng tiền bồi thường thì làm sao bù đắp được? Không tiền bạc nào bù đắp được nỗi đau này hết", bà Nhung nói.

Anh Trần Văn Hoàng (50 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM, trưởng nhóm 'hiệp sĩ' bị hại) cho biết bản thân anh bị thương tật 65%, nỗi đau thể xác vẫn còn âm ỉ mỗi ngày. Nhưng không vì thế mà anh muốn có những người bị liên lụy vì tội ác của nhóm cướp gây ra nên anh và anh em hiệp sĩ không đòi bồi thường về vật chất.

"Ai làm thì người đó chịu. Chúng tôi không muốn hành động của bị cáo để lại hậu quả mà vợ con gánh. Nếu yêu cầu bồi thường thì người trả sẽ là người nhà, là vợ con bị cáo mà những người đó là vô tội. Chỉ mong hội đồng xét xử xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội", anh Hoàng chia sẻ.

Một bản án tử hình, một tù chung thân được tuyên nhưng những nỗi đau mà người dự tòa hôm nay gánh chịu không gì có thể bù đắp được.

Khi được hỏi có hối hận khi không cản con trai tham gia bắt cướp hay không? Ba 'hiệp sĩ' Nam vẫn bình thản và giữ vững niềm tin: "Tôi biết con bắt cướp và không cản con mình vì tôi biết con tôi đang làm điều tốt".

Ánh nắng trưa chói chang của ngày cuối năm không thể dịu hơn. Sân tòa vắng lặng trở lại sau phiên xử. Còn những hàng nước mắt thì vẫn chực chờ chảy nơi khóe mắt người cha, người mẹ ấy. Con họ giờ đã ở một chốn nào rất xa, chỉ còn nỗi đau ở lại đây với nỗi uất nghẹn cùng năm tháng.

Người dự khán, những người dân chỉ mong không còn những cái chết đau lòng kiểu này xảy ra, ngoài đường không còn những tên trộm, tên cướp với những hành vi bất nhẫn ấy!

Tử hình bị cáo Nguyễn Tấn Tài
HĐXX tuyên phạt Tài án tử hình về tội Giết người, 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích, 6 năm tù về tội trộm cắp tài sản, tổng hợp hình phạt Tài là tử hình; Phú nhận án tù chung thân về tội Giết người, 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích, 6 năm tù về tội trộm cắp, tổng hợp hình phạt là chung thân; Ngô Văn Hùng bị phạt 4 năm tù và Trịnh Thị Như lĩnh 12 tháng tù treo cùng về tội che giấu tội phạm.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn