|
Điện thoại của hãng Apple là một trong những mặt hàng bị tẩy chay. Ảnh: Fortune |
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, phó chủ tịch Huawei xảy ra trong lúc Mỹ và Trung Quốc đang xúc tiến các bước đàm phán nhằm giảm căng thẳng thương mại và đã gây ra nghi ngại tiến trình này đổ bể. Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt hôm 1/12 tại Vancouver, Canada theo yêu cầu của giới chức tư pháp Mỹ, với cáo buộc lừa dối một số ngân hàng quốc tế về các giao dịch với Iran, đẩy họ vào nguy cơ vi phạm các lệnh cấm của Mỹ.
Khi được hỏi liệu có can thiệp vào vụ Mạnh Vãn Châu, ông Trump đã nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters: “Điều gì tốt cho đất nước, tôi sẽ làm”. “Nếu tôi nghĩ điều đó tốt cho thứ chắc là thỏa thuận thương mại lớn nhất từng có và là một việc rất quan trọng, những gì tốt cho an ninh quốc gia, tôi chắc chắn sẽ can thiệp nếu thấy cần thiết”, ông nói.
Một diễn biến có liên quan: tòa án Canada đã cho phép bà Mạnh nộp 7,5 triệu USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại trong khi chờ phán quyết về việc có bị dẫn độ về Mỹ hay không. Bà Mạnh phải ở tại Canada, bị giám sát điện tử và an ninh mỗi khi ra khỏi nhà. Vancouver là nơi gia đình bà sở hữu hai biệt thự sang trọng, trị giá hơn 20 triệu USD. Bà sẽ phải ra tòa lần nữa vào ngày 6/2/2019. Trong lúc này, Bộ Ngoại giao Mỹ đang cân nhắc một khuyến cáo về việc tới Trung Quốc trong thời điểm này tới công dân Mỹ.
Những bình luận của ông Trump về vụ bà Mạnh đã khiến Trung Quốc tức giận bởi trong mấy ngày qua, báo chí Trung Quốc liên tục lên án vụ việc, cho rằng có động cơ chính trị.
“Mỹ và Canada chắc chắn đã lạm dụng hệ thống tư pháp của họ… Washington không nên tìm cách sử dụng luật nội bộ như một hỗ trợ chiến lược cho các cạnh tranh ngoại giao và thương mại”, một bài xã luận đăng trên Hoàn cầu thời báo hôm qua viết.
Ông Trump nói vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vụ Huawei, theo Reuters. “Họ chưa gọi cho tôi. Họ mới nói chuyện với người của tôi”, ông nói.
Kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ
Vụ bắt giữ quan chức Huawei đã dẫn đến việc một số công ty và tập đoàn Trung Quốc kêu gọi nhân viên tẩy chay hàng hóa Mỹ, ví dụ các sản phẩm của Apple, theo tường thuật của CNN. Có công ty đe dọa phạt những ai bị bắt gặp sử dụng hàng Apple, thậm chí còn thưởng tiền nếu mua điện thoại Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên người Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa để phản đối. Năm 2012, nhiều công ty Nhật Bản tại Trung Quốc bị tấn công, hàng hóa Nhật bị tẩy chay, đập phá, khi căng thẳng về tranh chấp lãnh hải giữa hai nước leo thang.
|
Chưa có các công ty lớn hay cơ quan chính phủ công khai xác nhận hoặc tham gia hoạt động tẩy chay, nhưng một loạt các công ty nhỏ, các nhóm dân sự đã rất nhiệt tình với phong trào này.
Công ty cung cấp linh kiện điện tử Menpad ở Thâm Quyến nói họ sẽ hỗ trợ 15% tiền cho bất cứ nhân viên nào mua điện thoại của hai công ty Huawei và ZTE.
“Công ty sẽ phạt bất cứ nhân viên nào mua điện thoại Apple với mức phạt tương đương giá chiếc iPhone đó trên thị trường”, thông báo của công ty viết. “Hãy ngừng mua thiết bị cho công ty, ví dụ như máy tính, nếu chúng mang nhãn hiệu Mỹ”.
La Cường, thư ký Phòng thương mại Nam Sung ở Thượng Hải nói với CNN rằng tổ chức này không nhận chỉ đạo gì từ chính phủ trong việc tẩy chay hàng hóa nhưng muốn nói lên “tiếng nói của người dân”.
“Chúng tôi không có súng hay đại bác, chúng tôi là những người dân bình thường và chúng tôi có quyền được nói”, ông phát biểu. Một số công ty khác chỉ ủng hộ Huawei mà không đề cập chuyện tẩy chay hàng hóa của Apple. Trước đó, một tòa án ở Trung Quốc đã ra phán quyết cấm bán và nhập khẩu một số dòng điện thoại iPhone, trong lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa hề được giải quyết.
Theo Tiền Phong