4 câu hỏi về cuộc khủng hoảng Venezuela

Thứ ba, 29/01/2019, 09:09
Trong bối cảnh Venezuela rơi vào khủng hoảng tài chính, lương thực và di cư, chính quyền Maduro tiếp tục bị thách thức khi Guaido tự xưng là tổng thống.

Người ủng hộ phe đối lập biểu tình tại thủ đô Caracas hôm 23/1

Chỉ hai tuần sau khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, lãnh đạo phe đối lập đồng thời là chủ tịch Quốc hội Juan Guaido tuyên bố là tổng thống lâm thời. Hàng chục nghìn người biểu tình trên khắp đất nước hôm 23/1 để ủng hộ Guaido, trong khi Mỹ, Canada và nhiều nước Mỹ Latin nhanh chóng công nhận ông là nguyên thủ quốc gia hợp pháp.

Phản ứng lại điều này, Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và ra lệnh cho nhân viên đại sứ quán Mỹ phải rời đất nước trong 72 giờ. Mỹ phớt lờ lệnh trục xuất với lý do Washington không công nhận Maduro là Tổng thống hợp pháp nên lệnh của ông không có hiệu lực.

"Tôi là Tổng thống duy nhất của Venezuela", Maduro phát biểu trước người ủng hộ tại ban công dinh Tổng thống hôm 23/1. "Chúng tôi không muốn quay lại thế kỷ 20, thế kỷ của những cuộc can thiệp và đảo chính của người nước ngoài".

4 câu hỏi dưới đây có thể giúp nhìn rõ hơn về khủng hoảng Venezuela hiện nay, theo New York Times.

Maduro lên nắm quyền lực như thế nào?

Maduro trở thành Tổng thống Venezuela sau khi người tiền nhiệm Hugo Chavez qua đời năm 2013. Kinh tế Venezuela, một trong quốc gia giàu có nhất khu vực Nam Mỹ, lao dốc trong 5 năm qua, chủ yếu do quản lý yếu kém và tham nhũng.

Maduro tập trung quyền lực trong nhánh hành pháp, kìm nén hoạt động của các nhóm bất đồng ý kiến và giành được sự ủng hộ của quân đội bằng cách trao cho họ quyền kiểm soát các ngành công nghiệp sinh lợi. Khi các cuộc biểu tình nổ ra vào năm 2017, Maduro vô hiệu hóa Quốc hội do phe đối lập kiểm soát bằng cách lập cơ quan lập pháp mới với tên gọi Hội đồng Lập hiến và yêu cầu soạn thảo lại Hiến pháp. Nhiều thành viên nổi bật của phe đối lập cũng bị bỏ tù, khiến họ không hoạt động hiệu quả trong nhiều tháng.

Tháng 5/2018, Maduro tái đắc cử nhiệm kỳ 6 năm giữa cuộc khủng hoảng tài chính và nhân đạo. Nhiều thông tin nói rằng đã xảy ra tình trạng ép buộc và gian lận phiếu bầu, trong khi các nước phương Tây gọi đây là "cuộc bầu cử giả dối". Khi Maduro tuyên thệ nhậm chức hôm 10/1, Mỹ, Canada và hàng chục nước Mỹ Latin không công nhận ông là lãnh đạo hợp pháp.

Maduro (giữa) phát biểu trước người ủng hộ tại dinh Tổng thống hôm 23/1.

Juan Guaido là ai?

Guaido, 35 tuổi, lãnh đạo đảng đối lập Dân ý, là tên tuổi ít được chú ý cho đến khi ông được bầu làm chủ tịch Quốc hội Venezuela trong tháng này. Guaido hoạt động chính trị khi còn là lãnh đạo sinh viên ở Caracas, dẫn đầu những cuộc biểu tình phản đối sự can thiệp của chính quyền Chavez vào tự do báo chí và từng nhiều lần chỉ trích Maduro và Chavez. Đảng Dân ý của ông có lập trường cứng rắn chống lại chính phủ của Maduro và tổ chức nhiều cuộc biểu tình đường phố.

Guaido tuyên bố có ý định loại bỏ Maduro chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Venezuela tuyên thệ nhậm chức và bị lực lượng an ninh bắt hồi đầu tháng này, nhưng được trả tự do vài ngày sau đó. Guaido nói rằng ông sẽ đảm nhiệm vị trí tổng thống lâm thời đến khi cuộc bầu cử mới được tiến hành, một quyền mà ông và Quốc hội khẳng định được Hiến pháp Venezuela bảo vệ. Guaido chưa thông tin khi nào cuộc bầu cử có thể được tổ chức.

Khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela ra sao?

Giá tiêu dùng ở Venezuela tăng vọt và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ đạt 10 triệu phần trăm vào năm 2019, trở thành một trong những trường hợp siêu lạm phát tồi tệ nhất lịch sử nhân loại. Bạo lực và nạn đói cũng lan rộng. Tình trạng thiếu lương thực tăng lên mức mới trong những tháng gần đây, và 80% hộ gia đình ở Venezuela không được tiếp cận thực phẩm, theo các nhóm quan sát. Những chiếc kệ trống rỗng trong cửa hàng, bệnh viện vật lộn để điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Hệ thống y tế công cộng sụp đổ khiến nhiều người dân không có đủ thuốc men thiết yếu và tỷ lệ các bệnh có thể phòng ngừa cũng tăng lên.

Người Venezuela rời đất nước đạt đến mức chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Theo Cơ quan Di trú Liên Hợp Quốc, hơn ba triệu người trong tổng số gần 32 triệu dân rời đi từ năm 2014, gây ra một cuộc khủng hoảng trong khu vực, khiến các nước láng giềng chật vật tìm cách đối phó.

Cuộc khủng hoảng sẽ đi tới đâu?

Không rõ cuộc khủng hoảng Venezuela sẽ được giải quyết như thế nào khi có tới hai người đều xưng là Tổng thống. Guaido trích dẫn quy định trong Hiến pháp Venezuela về chuyển giao quyền lực cho lãnh đạo Quốc hội trong trường hợp ghế Tổng thống bị bỏ trống.

Guaido (áo vest) trong vòng vây người ủng hộ ở Caracas.

Sau khi tự xưng là "tổng thống lâm thời", Guaido được Mỹ, Canada, Australia, Israel cùng một loạt nước Mỹ Latin công nhận. Các nước EU cũng ra tối hậu thư tuyên bố sẽ công nhận Guaido là tổng thống nếu Maduro không tổ chức một cuộc bầu cử mới trong vòng 8 ngày.

Maduro nhận được sự ủng hộ từ các nước Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba và Bolivia. Nga và Trung Quốc ủng hộ nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định của chính quyền Maduro, đồng thời chỉ trích sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề nội bộ của Venezuela.

Giới lãnh đạo Venezuela hiện tập trung vào việc liệu Maduro có thể duy trì quyền kiểm soát quân đội hay không. Đến bây giờ, quân đội cam kết trung thành với ông, không chấp nhận "tổng thống tự xưng" và khẳng định tiếp tục bảo vệ Hiến pháp và chủ quyền đất nước.

Theo VNE

Các tin cũ hơn