|
Theo The New York Times, Huawei chịu nhiều áp lực quốc tế về tính an ninh trong công nghệ của công ty này, và cũng là một phần trong cuộc chiến thương mại lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ kêu gọi nhiều đồng minh ngoại giao như Anh, Ba Lan, Đức cấm các hãng có trụ sở ở Trung Quốc khỏi việc xây dựng 5G.
Trước đó, Mỹ từng lấy lý do an ninh quốc gia để chống dùng thiết bị Trung Quốc. Nước này cho rằng các thiết bị này có thể để lại “cửa hậu”, hậu thuẫn khả năng truy cập vào mạng lưới viễn thông của Mỹ. Từ năm 2012, Huawei đã bị cấm bán thiết bị tại Mỹ vì lo ngại kể trên.
Bất chấp Huawei bác bỏ những tuyên bố này, chính quyền ôngTrump vẫn tiếp tục xem xét lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, có thể cấm các hãng Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do Huawei, ZTE sản xuất. Đây là hai nhà cung ứng thiết bị mạng lưới lớn nhất Trung Quốc.
Mỹ xem 5G là một phần trong cuộc chạy đua vũ trang mới, nơi những nước chiến thắng sẽ giành được lợi thế kinh tế, tình báo và quân sự trong phần lớn thế kỷ này. Tiêu chuẩn mạng 5G cho phép nhiều thiết bị có mặt trên một kết nối internet, với việc truyền dữ liệu và liên lạc giữa các thiết bị nhanh hơn. Cạnh tranh trong việc chuyển đổi sang 5G của lĩnh vực viễn thông rất lớn.
Trong một động thái khác, đặc phái viên Trung Quốc đến Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo cuối tuần trước rằng việc loại trừ Huawei có thể cản trở sự phát triển của 5G, theo Financial Times. Chiến dịch chống hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhiều công ty Trung Quốc khác của ông Trump diễn ra giữa lúc Mỹ - Trung nỗ lực giải quyết bất đồng thương mại. Thỏa thuận tạm hoãn áp thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu lẫn nhau dự kiến kết thúc vào ngày 1.3.
Theo Thanh Niên