Đưa kiều bào thăm quần đảo Trường Sa
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài Lương Thanh Nghị, hằng năm ủy ban đều tổ chức rất nhiều sự kiện dành cho kiều bào, nhưng đặc biệt nhất vẫn là vào dịp Tết, dịp để đoàn viên, sum vầy, nhớ về nguồn cội.
“Trong năm, chúng tôi đã tổ chức đưa kiều bào đi thăm quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; tổ chức trại hè VN dành cho con em kiều bào khắp nơi trên thế giới, và đặc biệt là chương trình Xuân Quê hương. Thông qua các hoạt động này, kiều bào được thường xuyên tiếp xúc với người dân trong nước, chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của quê hương. Đặc biệt, sau những sự kiện như vậy, chúng tôi rất phấn khởi vì bản thân các kiều bào cũng gắn bó với nhau hơn, rất nhiều mạng lưới của kiều bào đã được hình thành”, ông Lương Thanh Nghị nói.
Tết là dịp gia đình sum vầy |
Chương trình “Xuân Quê hương 2019” gồm nhiều hoạt động truyền thống, gợi nhớ Tết xưa, như lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long); lễ thả cá chép theo nghi lễ truyền thống tại hồ Hoàn Kiếm; lễ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn...
"Khi về quê đón tết cũng là lúc cả cơ thể lẫn tinh thần của mình về quê sum họ". TS Lưu Anh Hùng, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học |
“Người Việt ở nước ngoài có thể ra đi vì những lý do, hoàn cảnh khác nhau; có những quan điểm, chính kiến khác nhau; nghề nghiệp khác nhau, nhưng đều biết rằng mình chung một nguồn cội, được kết nối bởi một sợi dây văn hóa. Khi đi thăm cộng đồng, chúng tôi đã rất ngạc nhiên và hạnh phúc khi gặp các cháu nhỏ tuổi mà nói được tiếng Việt, chơi được các nhạc cụ dân tộc, hát được những bài đồng dao rất hay. Đó là những kết nối bền chặt chúng ta với nguồn gốc”, ông Lương Thanh Nghị nói và cho biết thêm: Sau khi triển khai tổ chức dự án Giỗ Tổ Hùng Vương toàn cầu tại một số nước Đông Âu và nhận được sự phản hồi tích cực của bà con, mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo nhóm thực hiện hoàn thiện đề án, có thể coi như một đề tài khoa học để phát triển nội hàm văn hóa thông qua tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương ở các nước. Nếu dự án này thành công, thì đó sẽ là cầu nối văn hóa hữu hiệu giữa VN với các nước, là dịp tất cả đồng bào trong và ngoài nước được nhắc nhở về nguồn cội.
Sum họp gia đình, dòng tộc, làng xóm
TS Lưu Anh Hùng, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho biết phong tục Tết Nguyên đán là của các dân tộc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung hoa. Còn nhiều dân tộc lại không có Tết Nguyên đán mà vui Tết theo mùa vụ của họ, chẳng hạn họ coi đó là dịp cúng tạ ơn Thần Lúa. Dù thời điểm tổ chức khác nhau, Tết lúc nào cũng là dịp sum họp gia đình, dòng tộc, làng xóm.
Gia đình cùng du xuân ở Hội hoa xuân Tao Đàn |
Ông Hùng còn nhắc tới hành trình trở về gia đình mỗi khi Tết đến. Trong hành trình đó, có những người phải đi rất xa để về quê đón Tết. Đây cũng chính là một nội dung được kể trong trưng bày của bảo tàng hồi năm 2003. Trưng bày có tên “Những cuộc hành trình của con người, tinh thần và linh hồn VN” này do Bảo tàng Dân tộc học và TS Laurel Kendall, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ cùng thực hiện. Các nhà nghiên cứu khi đó dùng nhiều hình ảnh và hiện vật để kể về các phong tục tập quán từ Tết tới hết năm của người Việt. Việc vượt đường xa về nhà đón Tết cũng nằm trong số phong tục đó. “Khi về quê đón Tết cũng là lúc cả cơ thể lẫn tinh thần của mình về quê sum họp”, ông Hùng nói.
TS Mai Thanh Sơn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cho rằng sum họp là một trong những yếu tố quan trọng của Tết. “Sum họp để trả nghĩa cho cha mẹ, Tổ tiên, ông bà. Đó là một trong những mặc định về Tết. Có những quan điểm chọn Tết ngày này hay khác là do yếu tố canh tác. Tuy nhiên, câu chuyện về Tết trước hết là câu chuyện liên quan đến quan niệm cổ xưa về luân chuyển vũ trụ, về sự sinh sôi nảy nở, về sự đoàn viên sum họp”, ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, mỗi dân tộc lại có quan điểm về đoàn viên và cách thức đoàn viên không giống nhau.
“Chẳng hạn, có những cộng đồng tôn trọng việc luân phiên đón Tết từ nhà này sang nhà khác, hoặc “ăn” Tết dưới mái nhà như dân tộc H’Mông hoặc Pu Péo, Lô Lô chẳng hạn. Nhưng có những dân tộc lại đánh giá cao việc giao kết với thiên nhiên thì họ có thể tổ chức những hoạt động chung gia đình ngoài trời đầu xuân”, ông Sơn cho biết.
Về việc tổ chức Tết hiện nay, ông Sơn cho rằng, quan trọng nhất là văn hóa đón Tết như thế nào. Nói cách khác, việc “ăn” Tết như thế nào, sum họp ra sao là điều quan trọng bởi nó liên quan đến dân sinh. “Nhiều người khi ra thành phố làm việc, lúc trở về quê đón Tết thấy mình phải chịu một chi phí rất lớn cho việc biếu quà, biếu tiền. Việc đó cũng làm việc sum họp bớt vui. Nếu coi chuyện sum họp chỉ là sum họp, đoàn viên chỉ là đoàn viên thôi thì thực sự người ta sẽ quan niệm về nó khác hơn rất nhiều. Còn trái lại, Tết trở thành cái gì đó bon chen, đua tranh, cố gắng thể hiện đẳng cấp thì về ý nghĩa sẽ mai một đi rất nhiều. Nếu cứ nặng về biếu xén, đua tranh biếu xén thì Tết sẽ không còn là cơ hội thuần túy, tình cảm sum họp như xưa nữa. Người ta xem Tết như một cơ hội đầu tư. Vì thế, vận động thay đổi quan điểm rất cần”, ông Sơn kết luận.
Theo Thanh Niên