Kế hoạch này dựa nhiều vào tên lửa SM-6, loại vũ khí chống máy bay đang nhanh chóng "tiến hóa" để có thể đảm nhận bất kỳ vai trò nào được giao phó.
Hải quân Mỹ gọi phiên bản mới nhất của tên lửa hành trình Tomahawk này là "Block V". Hiện có 2 phiên bản Block V, một được trang bị đầu đạn chống hạm và một có đầu đạn được tối ưu hóa để tấn công các mục tiêu trên đất liền.
Tên lửa Tomahawk của Công ty quốc phòng Raytheon là đề tài gây tranh cãi trong chính trường Mỹ.
Trong nỗ lực cắt giảm chi tiêu, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn ngưng sản xuất loại vũ khí chính được hải quân sử dụng để tấn công các mục tiêu trên đất liền từ ngoài khơi kể từ những năm 1980. Dù vậy, Quốc hội Mỹ vẫn bật đèn xanh cho việc tiếp tục mua Tomahawk (có giá khoảng 1 triệu USD/tên lửa).
Một vụ phóng thử tên lửa SM-6 của hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ
Giờ đây, tên lửa SM-6 ít được biết đến hơn và cũng do Raytheon sản xuất có thể là tâm điểm trong các kế hoạch tái vũ trang sắp tới của hải quân Mỹ.
Trong số 10 loại tên lửa chính đang được các tàu nổi và tàu ngầm của hải quân Mỹ (hiện gồm tổng cộng 285 chiếc) sử dụng, chỉ SM-6 có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển, trên không và tại rìa bầu khí quyển trái đất.
Nói cách khác, hiện chỉ có loại tên lửa này mới có thể đánh chìm tàu, bắn hạ máy bay và đánh chặn tên lửa đạn đạo. Đáng chú ý là chỉ với một số điều chỉnh, SM-6 còn có thể tấn công lực lượng trên bộ của đối thủ và thậm chí là tàu ngầm.
Tên lửa SM-6 của hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ
Khi phiên bản SM-6 Block I đi vào hoạt động đầu tiên hồi năm 2013, nhiệm vụ chính của nó là bắn hạ máy bay và tên lửa hành trình. Sau đó, nó được bổ sung khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Không dừng lại ở đó, hải quân Mỹ còn điều chỉnh bộ cảm biến của tên lửa này để cho ra phiên bản Block IA. Trong cuộc thử nghiệm hồi năm 2016, tên lửa SM-6 Block IA đánh trúng mục tiêu trên mặt biển. Giờ đây, SM-6 còn là tên lửa chống hạm.
Theo một số nhà phân tích, SM-6 sắp tới có thể được điều chỉnh thiết kế để bổ sung khả năng chống tàu ngầm (bằng cách thay đầu đạn bằng ngư lôi có khả năng tách rời được, tương tự những gì tên lửa ASROC làm thời chiến tranh lạnh) và tấn công trên bộ.
Tóm lại, trong lúc những tranh cãi quanh Tomahawk đang thu hút nhiều chú ý, chính SM-6 mới là tên lửa cần quan tâm khi hải quân Mỹ chuẩn bị cho chiến tranh công nghệ cao.
Nhận định này càng có cơ sở khi Washington có kế hoạch mua 1.800 tên lửa SM-6 trị giá 6,4 tỉ USD từ giờ đến năm 2026.