Ông Hoàng thấy “Sài Gòn bây giờ phát triển nhiều quá”. Đến đâu ông cũng thấy nhà cao tầng, cao ốc được xây dựng hiện đại, đường sá to đẹp hơn, sáng sủa hơn trước ngày giải phóng rất nhiều. Hàng hoá dồi dào, đa dạng, khi vô các siêu thị, có thể mua các món từ vài chục ngàn đồng đến hàng tỷ đồng. “Dẫu thế, tình cảm người dân nước mình vẫn vậy, vẫn thật thà, chân chất. Tôi thật sự xúc động với ngày trở lại này!”, ông Hoàng nói.
Dù đi xa nhưng ông vẫn luôn mong có một ngày được về Tết cúng tổ tiên, ông bà, tận hưởng hương vị Tết quê hương, ăn các món ăn dân tộc. Tuy ở nơi đất khách, nhưng đến ngày Tết dân tộc, ông đều tổ chức đón Tết theo đúng phong tục cổ truyền là tập hợp cả nhà cùng ăn một bữa cơm, chúc thọ cha, mẹ, lì xì mừng tuổi con cái. Dẫu vậy, ông vẫn thích ăn Tết ở Việt Nam hơn cả. “Về quê, ngoài tình cảm gia đình, còn bè bạn, còn không khí đón Tết của bà con xung quanh, kể cả cái lạnh cũng dễ chịu hơn ở nước ngoài. Cái không khí Tết ở quê nó lạ lắm, ở nước ngoài khó mà hình dung và có được. Nay thì mong ước ấy đã thành sự thật”, ông Hoàng nói.
5 năm qua, năm nào bà Trần Thị Tư (70 tuổi, kiều bào Pháp) cũng sắp xếp về Việt Nam đón Tết. Bà bảo, mỗi năm lại thấy quê mình khác hơn, thay đổi, phát triển hơn. “Tôi thích cái cảm giác sắp Tết lại chộn rộn mua lá dong, dây lạt gói bánh chưng, bánh tét. “Mùi Tết” tỏa ra từ nồi thịt kho trứng, từ nhành mai, mâm ngũ quả… Những cái đó lúc ở nước ngoài tôi nhớ lắm, nhớ đến da diết, day dứt không thôi. Mình già rồi, biết còn sống bao lâu, chỉ mong được hưởng cái Tết đầm ấm nơi quê nhà cũng đủ thấy ấm lòng”, bà Tư nói. Năm nay, bà còn đưa con cháu, dâu rể về Sài Gòn đón Tết.
Dù đã nhiều lần về quê đón Tết, nhưng đây là mùa xuân có ý nghĩa nhất đối với anh Trần Hữu Tuấn (31 tuổi, kiều bào Canada). Bởi anh vừa quyết định rời bỏ môi trường làm việc chuyên nghiệp ở một tập đoàn đa quốc gia tại Canada, về nước khởi nghiệp. Tuấn nói: “Dù biết sẽ có rất nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng tôi tự tin sẽ làm được. Ở đây mình có gia đình, có bạn bè, không đơn độc”.
Khát vọng cống hiến
“Ngày đi du học, tôi chưa có suy nghĩ trở về” - Danny Võ Thành Đăng (kiều bào Singapore) nói. Đây có lẽ cũng là tâm tư của nhiều bạn trẻ khi đi du học và được tiếp cận với thế giới bên ngoài. Nhưng có đi xa rồi mới biết nỗi nhớ quê hương, ước mong được cống hiến cho nơi “chôn nhau cắt rốn” mãnh liệt đến chừng nào. Hiện Danny Võ là chuyên gia tư vấn thương hiệu, huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo, diễn giả truyền cảm hứng về những kỹ năng phát triển bản thân và nghệ thuật lãnh đạo.
Theo Danny Võ, một trong những lợi thế của kiều bào, nhất là kiều bào trẻ là kiến thức chuyên môn được lĩnh hội từ khắp nơi trên thế giới, và khả năng nhìn thấy trước những cơ hội trong việc kinh doanh tại Việt Nam. Họ “luôn nhanh hơn và ở thế chủ động” triển khai các dự án, thực thi công việc để hướng đến kết quả nhanh nhất. Nhưng có những lúc, thủ tục hành chính (dù có nhiều cải thiện), chế độ đãi ngộ… là những chướng ngại vật khiến kiều bào trẻ chùn bước khi muốn trở về. “Tôi mong có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cơ quan ban ngành, chung tay đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của cộng đồng doanh nhân kiều bào tại TP.HCM” - anh Danny Võ kỳ vọng.
Theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng năm có khoảng 300-500 lượt trí thức kiều bào về nước đóng góp chuyên môn, tham gia các chương trình hợp tác, nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo... Không chỉ thế hệ kiều bào thứ nhất, thứ hai mà ngay cả kiều bào trẻ cũng đang trở về với cội nguồn, gia đình và quê hương. Hành trang trở về là sự tham gia mạnh mẽ vào đầu tư, kinh doanh, chuyển giao phát triển.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có sự đóng góp khá quan trọng đối với sự phát triển của TP.HCM. Số lượng người Việt Nam nhập cảnh, cư trú tại TP năm sau đều cao hơn năm trước từ 4-5%. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2018 là 18,9 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP cả nước. Riêng TP.HCM là trên 5 tỷ USD.
“Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, và là động lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tôi mong bà con kiều bào tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, cùng chung sức với Đảng bộ, chính quyền và người dân TP.HCM tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2019, tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, bền vững” - ông Nguyễn Thành Phong nói.
|