GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc): Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh lần 2 đã khép lại khi các bên chưa đạt thỏa thuận và không ký tuyên bố chung. Theo những lời Tổng thống Trump nói nguyên nhân xuất phát từ là khác biệt trong cách tiếp cận khi Chủ tịch Kim chỉ muốn mở cửa các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon cho thanh sát chứ không bao gồm các cơ sở khác mà Mỹ muốn tiếp cận. Rõ ràng từ các phát biểu của Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo thì Chủ tịch Kim chưa sẵn sàng để bàn đến các lựa chọn khác mà Mỹ đưa ra, còn Mỹ thì khước từ đề nghị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế ngay lúc này.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã diễn ra một cách hữu ích khi hai bên gợi mở việc tiếp tục thảo luận trong tương lai và Chủ tịch Kim cũng cam kết không khôi phục việc thử hạt nhân và tên lửa. Ngoại trưởng Pompeo cũng đã nói tại cuộc họp báo là ông đạt được tiến triển trong một số vấn đề với người đồng cấp Triều Tiên. Không bên nào rời bỏ việc đàm phán vì họ đều hiểu rằng vẫn còn những bế tắc chưa thể giải quyết. Tổng thống Trump vẫn tiếp tục nhắc đến quan hệ rất đặc biệt và đầy tôn trọng đối với Chủ tịch Kim nên một mặt, hội nghị thượng đỉnh này thành công trong việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng mặt khác cuộc gặp cũng cho thấy những khác biệt về quan điểm giữa hai bên.
GS Alexander L.Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu, Mỹ): Theo tôi, để đạt được thỏa thuận thực chất giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ cần phải trải qua nhiều cuộc gặp chứ một hai cuộc chưa thể đi đến cùng được. Bây giờ vẫn đang là quá trình xây dựng niềm tin, đồng thời cũng “nắn gân” lẫn nhau để xem giới hạn của đối phương như thế nào. Mặc dù hội nghị thượng đỉnh lần này không đạt được thỏa thuận nhưng ý muốn ngồi xuống đàm phán của cả hai bên Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không có dấu hiệu nhạt đi.
Một phần lý do không đạt được thỏa thuận theo tôi là vì Tổng thống Trump chịu áp lực mạnh từ trong nước, cần đạt được sự nhân nhượng thực chất từ phía Chủ tịch Kim. Mặt khác, Chủ tịch Kim cũng không thể ở thế yếu hơn Tổng thống Trump vì ngày nào còn cấm vận thì ngày đó ông và đất nước của ông còn tiếp tục khó khăn, trong khi ông Trump chỉ cần ông Kim không tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân nữa. Trong khi đó, Chủ tịch Kim cũng không dám đi bước trước vì hiện Triều Tiên vẫn đang cần những cơ hội để phát triển. Có thể nói rằng hai bên chưa thể đạt thỏa thuận lần này một phần vì áp lực đối nội, một phần nữa là thời gian cho các cuộc tiếp xúc, đàm phán giữa hai bên chưa đủ. Tuy nhiên, tôi tin hai bên sẽ tiếp tục giữ liên lạc và cả hai nhà lãnh đạo đều mong muốn có cuộc gặp thứ ba.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế - ĐH KHXH&NV TP.HCM): Việc hội nghị thượng đỉnh không ra được thông báo chung và không có cam kết được thực hiện có thể được coi là kết quả không như mong đợi cho quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân và chính thức kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, kết quả này cũng có mặt tích cực là cho chúng ta thấy về quan điểm cốt lõi của Mỹ và Triều Tiên về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân. Triều Tiên thì muốn dỡ bỏ cấm vận kinh tế trước, trong khi Mỹ thì mong muốn có được giải trừ vũ khí hạt nhân mà có thể kiểm chứng được từ phía Triều Tiên trước khi có các hành động tương ứng. Tất nhiên, điều này không hề dễ dàng vì chương trình vũ khí hạt nhân vẫn là lá bài mặc cả duy nhất của Triều Tiên. Nhìn từ góc độ chiến lược, thì điều này thể hiện Triều Tiên và Mỹ chưa có niềm tin lẫn nhau đủ lớn để cùng giải trừ vũ khí hạt nhân.
Về triển vọng tương lai, tôi cho rằng đàm phán song phương Mỹ-Triều vẫn còn những hạn chế và chưa hiệu quả. Một giải pháp khác có thể tính đến là quay lại đàm phán bốn bên, hoặc sáu bên với sự tham gia của Trung Quốc, Hàn quốc, Nga hoặc Nhật Bản. Mỹ có lẽ cần sự hỗ trợ của Trung Quốc để bảo đảm rằng Triều Tiên không tiếp tục phát triển tên lửa tầm xa và hạt nhân, bởi vì hiện nay nền kinh tế Triều Tiên vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Theo Thanh Niên