Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un đã không thể đạt được một thỏa thuận chính thức sau khi rời bàn đàm phán tại Hà Nội ngày 28/2. Tuy nhiên, cả 2 nhà lãnh đạo đều cam kết sẽ tiếp tục đối thoại để tiến tới phi hạt nhân hóa trong tương lai dù vẫn tồn tại nhiều khác biệt trong kỳ vọng giữa 2 bên.
Nhiều chuyên gia tin rằng sau các cuộc đàm phán tại Hà Nội, Mỹ sẽ sớm trở lại đối thoại với các quan chức Triều Tiên trong khi các quốc gia trong khu vực sẽ tiếp tục kêu gọi 2 bên duy trì đối thoại.
Trong cuộc họp báo vào chiều 28/2, Tổng thống Trump cho biết ông không theo đuổi các lựa chọn được đưa lên bàn làm phán, nhưng khẳng định đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng trong 2 ngày tại Hà Nội là rất hữu ích.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. (Ảnh: AP) |
Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng Triều Tiên về cơ bản muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo vào rạng sáng 1/3, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho khẳng định Bình Nhưỡng chỉ yêu cầu dỡ bỏ 5/11 các lệnh cấm vận mà Liên Hợp Quốc thông qua trong các năm 2016, 2017.
Ông Robert Gallucci, người từng tham gia các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên năm 1994 dưới thời Tổng thống Bill Clinton cho rằng bất chấp những khác biệt giữa Mỹ và Triều Tiên, hai bên vẫn sẽ quay trở lại các cuộc thảo luận từ nhiều cấp nhằm thu hẹp khoảng cách.
"Khoảng cách liệu có được thu hẹp hay không. Chúng ta sẽ không thể biết nếu không thử", ông Gallucci cho biết.
Theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, các kết quả đạt được ở Hà Nội là hoàn hảo bởi Mỹ đã không nhượng bộ và các cuộc đàm phán đã chỉ ra điều mà Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vào thời điểm này để được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
"Yongbyon rõ ràng đã nằm trên bàn đàm phán, chỉ là cái giá quá cao", ông Gallucci nói.
Có cùng quan điểm với ông Gallucci, Joel Wit - giám đốc của 38 North, dự án theo dõi Triều Tiên có trụ sở tại Washington cho rằng các các cuộc đối thoại cần được duy trì.
"Nhưng không rõ các đối thoại này sẽ tạo ra khác biệt đến đâu", ông Wit nhận định.
"Lập trường của chúng tôi sẽ giữ nguyên và đề xuất của chúng tôi sẽ không thay đổi mặc dù Mỹ đã đề xuất tiếp tục đàm phán trong tương lai", ông Ri nói trong cuộc họp báo tại Meliá.
Trước đó, vị Ngoại trưởng Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng đã đề xuất ngừng thử nghiệm tên lửa hạt nhân và tầm xa vĩnh viễn, dỡ bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất hạt nhân và đồng ý để cho chuyên gia Mỹ vào thanh sát nếu Washington gỡ bỏ lệnh cấm vận làm ảnh hưởng tới kinh tế và sinh kế của người dân Triều Tiên, nhưng Mỹ lại yêu cầu Bình Nhưỡng phải có thêm một bước đi ngoài việc dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Trong khi đó, Tổng thống Trump nói rằng mặc dù nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết ngừng thử hạt nhân và tên lửa, vẫn chưa thể đảm bảo Bình Nhưỡng sẽ không sản xuất các vật liệu cần thiết cho các vũ khí của họ trong thời gian này.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Trump đã đề nghị ông Moon tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy mối quan hệ Bình Nhưỡng-Washington.
Trước đó, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc trong tuyên bố đưa ra chiều muộn 28/2 cho biết Seoul rất tiếc nuối vì hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều không thể đi tới một thỏa thuận như mong đợi, nhưng ông Kim và ông Trump đã tạo ra nhiều tiến bộ có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
"Chúng tôi hy vọng Mỹ và Triều Tiên tiếp tục đối thoại tích cực ở nhiều cấp độ dựa trên kết quả đàm phán tại hội nghị ở Hà Nội", tuyên bố nêu rõ.
Theo VTC