Vụ ly hôn ngàn tỉ của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ: Tạm dừng đến 27.3

Thứ sáu, 01/03/2019, 15:09
Chiều nay (1.3), rất đông những người dự khán đến nghe HĐXX tuyên án vụ "tranh chấp ly hôn" của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tuy nhiên, HĐXX tuyên tạm dừng phiên tòa đến ngày 27.3.  

Sau 3 ngày nghị án, chiều nay TAND TP.HCM sẽ tuyên án việc “tranh chấp ly hôn” giữa nguyên đơn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).

Tuy nhiên, thay vì tuyên án, HĐXX quay lại phần hỏi. Và sau khi xét hỏi thêm phần liên quan đến khoản tiền 2.109 tỉ đồng, trước đây bị đơn phản tố đòi chia tài sản, nhưng đại diện Viện KSND TP.HCM không chấp nhận do chưa thu thập đủ chứng cứ, HĐXX thông báo sẽ hội ý thêm.

Sau khi hội ý, HĐXX thông báo tạm dừng phiên tòa để 2 bên tiếp tục cung cấp chứng cứ liên quan khoản tiền 2.109 tỉ đồng. Đồng thời HĐXX sẽ xác minh khoản tiền theo yêu cầu phản tố của bị đơn.
Phiên tòa về vụ ly hôn ngàn tỉ của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ tạm ngừng đến ngày 27.3.
Đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của các bên, giải quyết ly hôn theo nhu cầu của hai bên.

Trước đó, trong phần phát biểu quan điểm vụ ly hôn ngàn tỉ của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ, về quan hệ hôn nhân, đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của các bên, giải quyết ly hôn theo nhu cầu của hai bên.

Theo Viện KSND TP.HCM, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo kết hôn năm 1998. Năm 2015 bà Thảo làm đơn khởi kiện xin ly hôn với lý do trong những năm gần đây vợ chồng thường xuyên phát sinh mâu thuẫn trong tư tưởng, suy nghĩ về đời sống vợ chồng và điều hành tập đoàn.

Từ thời điểm bà Thảo khởi kiện đến đầu tháng 6.2017, ông Vũ không đồng ý ly hôn vì cho rằng dù vợ chồng có những bất đồng trong cuộc sống..., nhưng vì tình nghĩa vợ chồng, trách nhiệm và tình thương với các con cũng như sự nghiệp gầy dựng tập đoàn 20 năm, nên ông Vũ đề nghị tòa cho vợ chồng có thời gian hòa giải.

Nhưng từ ngày 13.6.2017 và các buổi làm việc sau đó, cũng như tại tòa, ông Vũ đồng ý ly hôn vì mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng, không thể hàn gắn, dù tại phiên tòa 21.2 vừa qua, bà Thảo có nguyện vọng đoàn tụ nhưng ông Vũ vẫn kiên quyết ly hôn.

Từ những bất đồng các bên, Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX giải quyết ly hôn theo nguyên vọng của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên tòa chiều 1.3
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ 

Về con chung,  Viện KSND TP.HCM đề nghị giao 4 con chung cho bà Thảo nuôi dưỡng theo nguyên vọng các cháu. Đồng thời, ông Vũ sẽ cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm/4 cháu, từ năm 2013 đến khi các cháu học xong đại học, theo thỏa thuận các bên tại tòa.

Chia tỷ lệ tài sản theo công sức đóng góp

Đối với tỷ lệ phân chia cổ phần, phần vốn góp là tài sản chung của vợ chồng tại 7 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên, Viện KSND TP.HCM phân tích, quy định tại Điều 33 luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) năm 2014, tài sản chung vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, nguyên tắc giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mà không thỏa thuận được là chia đôi, nhưng có tính đến các yếu tố: hoàn cảnh của gia đình và của vợ/chồng; công sức đóng góp của vợ/chồng trong tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung…; khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của luật HNGĐ, hướng dẫn công sức đóng góp của vợ/chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc của gia đình và lao động của vợ/chồng. Người vợ/chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của người ra ngoài làm.

Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

Từ đó, tòa nhận định: “Xét công sức ông Vũ khởi nghiệp năm 1996, khi đó giấy phép kinh doanh cấp cho cá nhân ông Vũ. Bà Thảo nói có góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp nhưng không có chứng cứ chứng minh. Năm 1998, ông Vũ và bà Thảo kết hôn. Kể từ khi Trung Nguyên thành lập đến nay, bị đơn luôn nắm giữ vai trò điều hành ở hầu hết các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên trên cương vị là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diệnpháp luật cả 7 công ty nêu trên. Nhãn hiệu Trung Nguyên được đăng ký từ năm 2003 và khởi nguồn từ tên gọi Trung Nguyên cà phê do ông Vũ khởi nghiệp, sáng lập từ năm 1999”.

Đồng thời, Viện KSND TP.HCM phân tích, xét công sức bà Thảo, sau khi kết hôn, sinh con, bà Thảo vừa chăm sóc con cái vừa hoạt động kinh doanh và là cổ đông của các công ty từ năm 2006 đến nay, được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực từ năm 2006 đến năm 2014. Vì vậy, cần phân chia tỷ lệ phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi các bên và không ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty.

Trong những phiên tòa trước đây, trong Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, giá thẩm định hơn 4.208 tỉ đồng, bà Thảo đề nghị được chia 51% cổ phần, ông Vũ chỉ nắm 49% cổ phần
Không đồng ý, ông Vũ đề nghị chia toàn bộ số cổ phần tại 7 công ty theo tỷ lệ ông Vũ nhận 70%, bà Thảo nhận 30%

Trong những phiên tòa trước đây, trong Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, giá thẩm định hơn 4.208 tỉ đồng, bà Thảo đề nghị được chia 51% cổ phần, ông Vũ chỉ nắm 49% cổ phần; đối với Công ty CP tập đoàn Trung Nguyên, giá thẩm định 5.431 tỉ đồng, bà Thảo đề nghị mỗi người sở hữu 15% cổ phần; Công ty CP hòa tan Trung Nguyên, giá thẩm định hơn 580 tỉ đồng, bà Thảo đề nghị mỗi bên sở hữu 7,5% cổ phần.

Đối với số cổ phần của vợ chồng tại 4 công ty còn lại: Công ty CP cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông, bà Thảo đề nghị chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ.

Không đồng ý, ông Vũ đề nghị chia toàn bộ số cổ phần tại 7 công ty theo tỷ lệ 70% (ông Vũ được nhận - PV) - 30%, đồng thời nhận lại toàn bộ số cổ phần của bà Thảo và hoàn tiền cho bà Thảo theo kết quả thẩm định giá ngay sau khi án có hiệu lực thi hành.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích