TP.HCM cam kết điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư hạ tầng

Thứ tư, 27/03/2019, 16:15
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ cải cách mạnh mẽ nhiều vấn đề để các doanh nghiệp đầu tư thuận lợi.

Ngày 27/3, khai mạc hội thảo quốc tế về hợp tác công tư (PPP) trong một số lĩnh vực, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nói rằng, PPP là một trong giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhất là các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TP.HCM.

Thời gian qua lượng dự án thực hiện theo hình thức này chỉ chiếm 5% trong tổng số dự án đầu tư công của thành phố, trong khi nguồn lực xã hội đã huy động gấp 3 lần tổng nguồn lực đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

"Thành phố mong muốn các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của thành phố. Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để thành phố là điểm đến đầu tư lâu dài", ông Phong nói.

Chỉ ra những hạn chế trong thu hút đầu tư PPP tại TP.HCM, bà Victoria Rigby Delmon (chuyên gia cao cấp của Ngân hàng thế giới) cho biết nguyên nhân là thiếu kinh nghiệm đầu tư, nhiều dự án có kết quả không nhất quán.

Ngoài ra, hầu hết các dự án đều có các phương án tuyển chọn từ một nguồn duy nhất, hoặc theo đề xuất của nhà đầu tư với phần lớn dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) dẫn tới thiếu tính minh bạch và cạnh tranh. "Nhà đầu tư tư nhân rất nhạy cảm với rủi ro quốc gia, đặc biệt là tham nhũng", bà Victoria nhận định.

Trong khi đó, ông Ousmare Dione (Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới) đánh giá, TP.HCM là một đại đô thị, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước. Để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như giải quyết các thách thức từ tốc độ đô thị hóa nhanh, thành phố cần đầu tư hạ tầng nhiều hơn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục vào môi trường.

"Không thể hoàn thiện hạ tầng dịch vụ nếu chỉ dựa vào đầu tư công. Vì vậy, thành phố cần phát huy tốt hơn nguồn lực từ khu vực tư nhân mà PPP là một giải pháp để giải quyết vấn đề này", ông Ousmare Dione nói.

Dẫn chứng nhiều quốc gia đã thành công với PPP như Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ... nhưng ông Ousmare Dione khẳng định hình thức hợp tác đầu tư này không phải lúc nào cũng thành công ở mọi quốc gia, rất nhiều trường hợp đã thất bại.

Đường Phạm Văn Đồng - đường nội đô đẹp nhất TP.HCM, tổng số vốn đầu tư 495 triệu USD - là dự án đầu tiên tại Việt Nam do đơn vị nước ngoài thực hiện theo hình thức BT.

Đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, để triển khai PPP thành công, các bên tham gia phải nhìn nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà cả rủi ro. Nếu hai chủ thể trên không được chia sẻ đồng đều thì khả năng thất bại rất cao.

Ông Ousmare Dione cũng đề cập thành phố cần có khung pháp lý, quy định và thể chế phải rõ ràng, chặt chẽ để giúp các nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro trong dài hạn với mức độ chắc chắn nhất định.

PPP (Public - Private Partner) là hình thức Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án. Với mô hình này, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân.

Hiện có một số hình thức PPP phổ biến đã được áp dụng ở TP.HCM như: BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); BT (xây dựng - chuyển giao); BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành)...

Thành phố đã và đang thực hiện nhiều dự án theo hình thức PPP với số vốn hàng nghìn tỷ đồng như cầu Phú Mỹ (khoảng 3.000 tỷ đồng), cầu Sài Gòn 2 (gần 1.500 tỷ đồng), đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng, 495 triệu USD), đường kết nối vào cầu Phú Mỹ (hơn 1.440 tỷ đồng)...

Một số dự án đang thi công như xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (12.000 tỷ đồng) do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư; Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (gần 10.000 tỷ đồng), cầu Thủ Thiêm 2 (3.100 tỷ đồng)...

Theo VNE

Các tin cũ hơn