|
Ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo châu Âu trong cuộc gặp ở Pháp. (Ảnh: Bloomberg) |
Đón Chủ tịch Tập Cận Bình trong chặng dừng chân cuối cùng của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker đến cùng gặp ở Paris. Bốn nhà lãnh đạo nhấn mạnh ủng hộ chủ nghĩa đa phương và theo đuổi hợp tác giữa các cường quốc.
Ông Tập nói rằng Trung Quốc quyết tâm bảo vệ hệ thống đa phương của thế giới, và sẵn sàng “mở cửa” hơn.
Ông cũng mời các nước châu Âu tham gia dự án Vành đai Con đường – chương trình bị Washington gọi là “dự án phù phiếm”.
Dự án này gây ra quan ngại ngày càng nhiều ở phương Tây về quy mô mở rộng ảnh hưởng cho Trung Quốc, đặc biệt sau khi Ý trở thành nền kinh tế G7 đầu tiên tham dự sáng kiến này từ cuối tuần qua.
Nhưng bà Merkel nhấn mạnh đây là một dự án quan trọng mà châu Âu vẫn muốn tham gia.
“Chúng tôi, các nước châu Âu, vẫn muốn đóng một phần chủ động và phải dự án đó phải dẫn đến sự có đi có có lại và chúng tôi vẫn đang bàn về nó”, Thủ tướng Đức nói.
Chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong bối cảnh châu Âu hoài nghi nhiều hơn về ảnh hưởng của Trung Quốc. Brussels vừa gọi Trung Quốc là “đối thủ hệ thống” trong tài liệu về chính sách đưa ra trong tháng này.
“Chúng tôi hiểu Trung Quốc không thích cách dùng từ ‘đối thủ’, nhưng đó là một lời khen ngợi mô tả những tham vọng chung của chúng ta”, ông Juncker nói tại một cuộc họp báo.
Châu Âu và Trung Quốc còn chia sẻ quan ngại về xu hướng bảo hộ gia tăng ở Mỹ, biểu hiện trong cuộc chiến thương mại đang tiếp diễn giữa Washington với Bắc Kinh.
Ông Tập còn nói khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế với thế giới.
“Sáng kiến Vành đai Con đường đã làm giàu cho hệ thống đa phương của thế giới, chúng tôi mời tất cả các nước, trong đó có Pháp, tham gia”, ông Tập nói.
Trong lúc này, Mỹ đang gia tăng sức ép lên các nước châu Âu phải chặn tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei mà Washington coi là mối đe doạ an ninh tham gia phát triển các mạng thông tin liên lạc ở châu Âu.
Dù ủng hộ quan điểm của ông Tập về chủ nghĩa đa phương, bà Merkel vẫn ủng hộ vai trò của Mỹ trong duy trì trật tự toàn cầu.
“Tam giác EU, Trung Quốc và Mỹ rất quan trọng. Nếu không có Mỹ, chúng ta sẽ không thể có chủ nghĩa đa phương. Quan hệ của chúng tôi từ châu Âu rõ ràng rất quan trọng”, bà Merkel nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức lưu ý rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc “đang gây tổn thất cho nền kinh tế Đức” và gây xáo trộn thăng bằng.
Theo Tiền Phong