|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters.) |
"Tuyên bố ủng hộ" cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Omopaman Conchita Carpio Morales kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague, Hà Lan sẽ nhận được khoảng 25.000 chữ ký tính đến chiều nay.
Văn phòng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gọi hành động thu thập chữ ký là "vô ích", trong khi đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nói không có kế hoạch phản hồi đơn kiện của hai cựu quan chức.
Trong đơn kiện đệ trình ICC hôm 15/3, Del Rosario và Morales khẳng định việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông đã gây thiệt hại lớn về môi trường và khiến hàng trăm nghìn ngư dân, trong đó có 320.000 ngư dân Philippines, bị mất ngư trường. Hai cựu quan chức nói sự ảnh hưởng đối với ngư dân Philippines cấu thành "tội ác chống lại nhân loại" theo Công ước Rome.
Đơn kiện được gửi chỉ vài ngày trước khi Duterte rút Philippines khỏi ICC. Trung Quốc cũng không phải thành viên ICC và điều này đặt câu hỏi về thẩm quyền của tòa.
Dù bị chính quyền Duterte bác bỏ, đơn kiện nhận được sự ủng hộ từ nhiều quan chức Philippines. Phó Tổng thống Leni Robredo cho biết bà rất vui mừng vì "ít nhất đã có người đưa vấn đề này lên cơ quan có thẩm quyền", trong khi thượng nghị sĩ Panfilo Lacson ca ngợi đây là động thái yêu nước của những người Philippines và xứng đáng được người dân ủng hộ.
Trong khi đó, đại biện lâm thời Tan Qingsheng của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nói hành động của Del Rosario và Carpio-Morales "không thể hiện quan điểm của chính phủ, người dân Philippines và sẽ không cản trở sự phát triển quan hệ song phương".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các nước như Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines. Trung Quốc đã cải tạo ít nhất 7 thực thể thành các đảo nhân tạo được bố trí cơ sở quân sự để củng cố các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên thủy sản, năng lượng và là nơi lưu thương của 3.000 - 5.000 tỷ USD giá trị thương mại toàn cầu.
Philippines từng giành chiến thắng trong vụ kiện chống lại yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông tại Tòa Trọng Tài thường trực ở The Hague. Tuy nhiên, Duterte sau khi nhậm chức đã gạt bỏ phán quyết của tòa trọng tài, tích cực cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh từ đó cam kết tài trợ cho sáng kiến cơ sở hạ tầng của Duterte và hai bên cũng đồng ý thăm dò chung ở Biển Đông.
Cách tiếp cận Trung Quốc của Duterte khiến lãnh đạo này hứng chịu nhiều chỉ trích vì thể hiện "lập trường mềm yếu, nhu nhược".
Theo VNE