|
Với lỗi không tuân thủ các quy định về dừng, đỗ trên đường cao tốc để chụp ảnh tự sướng, Ngô Bá Khá còn gọi là Khá “bảnh” từng đã bị xử phạt 5,5 triệu đồng, tước bằng lái 2 tháng |
Khi Khá 'bảnh' nổi lên, trở thành một hiện tượng mạng xã hội với gần 2 triệu lượt người đăng ký theo dõi trên YouTube, tôi đã băn khoăn tự hỏi số phận dường như đã sắp xếp sai bổn phận cho cá nhân này?
Thực ra, có thể đã không có một Khá 'bảnh' "lẫy lừng" và làm tốn giấy mực đến thế nếu không có Facebook và YouTube.
Theo lời kể của Khá 'bảnh' trong một video, anh ta quê ở Bắc Ninh, học hành chưa hết cấp 2; 17 tuổi đã phải đi trường giáo dưỡng.
Trong một video khác, Khá 'bảnh' còn khoe khoang rằng ngay khi ở trong trường, anh ta vẫn chỉ đạo ở bên ngoài cho vay nặng lãi. Ngày Khá 'bảnh' mãn khóa, cả một hàng ôtô xếp hàng trước cổng trại đón anh ta.
Trên mạng, nhiều người đã tỏ ra vô cùng kinh ngạc trước sự nổi tiếng khó hiểu của Khá 'bảnh'. Anh ta không có bất cứ một khả năng nào đáng học hỏi, nếu như không muốn nói là Khá 'bảnh' chỉ mang lại cho xã hội những sự tiêu cực. Thế nhưng, ngay cả màn "múa quạt" bằng tay của Khá 'bảnh' cũng được bạn trẻ khắp nơi học theo, thậm chí lan sang cả giới trẻ Trung Quốc (!).
Sự lệch lạc ấy ngoài nguyên nhân từ việc xã hội thiếu hình mẫu để giới trẻ học hỏi thì còn là vì có ai đó đã sử dụng Facebook và YouTube làm công cụ nâng tầm Khá 'bảnh' lên, khoác cho anh ta "cái áo" thần tượng.
Nếu không có sự nổi tiếng trên nền tảng Facebook và YouTube, có lẽ Khá 'bảnh' đã là một thanh niên tốt. Có thể giờ này anh ta đang đi xách hồ, trộn vữa ở một công trường nào đó - một công việc lương thiện, tốt đẹp, phù hợp năng lực, đóng góp được nhiều cho xã hội. Hoặc nếu tệ lắm, có lẽ anh ta chỉ là một anh đầu gấu thôn, ngày ngày đứng ở cổng làng bắt nạt thanh niên làng khác.
Nhưng có thể đã có ai đó sử dụng Facebook và YouTube bắt Khá 'bảnh' phải làm một thần tượng giới trẻ, không cho Khá 'bảnh' được đi xách hồ.
Với trình độ chưa học hết cấp 2 và quá khứ đầy nghịch ngợm của mình, qua cách ăn nói, chắc chắn đa số cũng sẽ đồng ý với tôi rằng Khá 'bảnh' không đủ trình độ để tự biến mình thành một "ngôi sao giang hồ" cấp xã chứ chưa nói đến chuyện nổi tiếng đến mức mấy triệu người theo dõi như hiện nay. Phải có ai đó đứng sau, người này (hoặc nhóm người này) phải hiểu rõ thói quen và tâm lý của người dùng mạng xã hội, phải đủ thông minh để hiểu được công chúng cần gì ở một Khá 'bảnh' côn đồ và ít học.
Và một điều chắc chắn, người này (hoặc nhóm người này) kiếm được lợi ích từ sự nổi tiếng khó tin của Khá 'bảnh'.
Tôi gần như chắc chắn điều đó là bởi vì cùng thời điểm Khá 'bảnh' nổi lên, một loạt các tay anh chị khác cũng lập ra các kênh Facebook và YouTube cá nhân, tạo nên một trào lưu mà báo chí gọi là "giang hồ sống ảo". Thậm chí, họ còn mời cả diễn viên nổi tiếng về để cùng tham gia đóng một bộ phim hành động với hơn 23 triệu lượt xem; họ còn đứng dàn hàng ngang trong các MV ca nhạc, có MV lên tới hơn 61 triệu lượt xem. Các ngôi sao trong giới "giang hồ sống ảo" dần trở thành ngôi sao đời thực khi họ được chào đón ở khắp nơi, thậm chí họ còn tham gia biểu diễn ở các quán bar, phòng trà.
Để làm được những điều đó, với trình độ và học vấn của các tay anh chị trong giới "giang hồ sống ảo" thể hiện trong các video của họ, thì còn khó hơn tìm đường lên trời.
Cuối cùng, nạn nhân là ai?
Nạn nhân đầu tiên chính là những tay "giang hồ sống ảo". Khá 'bảnh' đã bị tước đoạt đi cơ hội đóng góp cho xã hội. Đáng lẽ Khá 'bảnh' đã được làm công nhân dang nắng phụ hồ thì anh ta lại phải làm giang hồ sống ảo, mặc cái áo thần tượng vốn không thuộc về anh ta.
Những nạn nhân tiếp theo chính là các bạn trẻ trong xã hội này. Nhìn cách anh chàng D.M.T được thanh niên và trẻ em ở một vùng quê chào đón khi anh này về thăm gia đình nữ sinh bị bạo hành ở Hưng Yên, tôi lại liên kết với chuyện 5 nữ sinh tham gia vụ bạo hành kia học hỏi những thói xấu bắt nạt người khác ấy từ đâu.
Khi thần tượng của các bạn trẻ bây giờ là những tay "giang hồ sống ảo" thì cũng đồng nghĩa với việc mặt bằng thẩm mỹ của các bạn đã bị kéo xuống tận đáy; các giá trị phổ quát bị đảo lộn trong tư duy của chính các bạn trẻ. Sẽ không trông đợi được nhiều từ những người trẻ khi tấm gương học hỏi của họ chỉ là hào quang giả tạo của Khá 'bảnh'.
Trong một cuộc chơi không chỉ có người thiệt hại, chắc chắn phải có ai đó kiếm lợi được từ sự thiệt hại ấy.
Theo Thanh Niên