Giải mã bí ẩn vũ khí ở lăng Tần Thủy Hoàng không gỉ suốt 2.000 năm

Thứ sáu, 05/04/2019, 15:56
Lớp crôm được tạo ra "ngẫu nhiên" trên bề mặt là lý do giúp vũ khí của đội quân đất nung ở lăng Tần Thủy Hoàng vẫn không bị hoen gỉ, dù bị chôn vùi dưới lòng đất hơn 2.000 năm.

Các nhà khoa học quốc tế hôm 4/4 đã công bố nghiên cứu giải thích bí ẩn này, theo Reuters. Giả thuyết được đưa ra là các nghệ nhân Trung Quốc cổ đại đã sử dụng crôm kim loại, phương pháp bảo quản được cho là quá tiên tiến so với thời điểm được chế tạo - thế kỷ thứ ba trước Công nguyên.

Tuy nhiên, sau khi phân tích 464 vũ khí bằng đồng, các nhà khoa học kết luận lớp crôm chỉ được tạo ra ngẫu nhiên, bởi các loại kiếm, thương và kích của tượng binh sĩ đất nung đều được chế tạo từ loại hợp kim đồng có hàm lượng thiếc cao và được bảo quản trong môi trường thích hợp dưới lòng đất.

Lớp crôm được tìm thấy trên bề mặt đồng chỉ đơn giản là do hiện tượng nhiễm bẩn từ lớp sơn mài giàu crôm trên bề mặt tượng đất nung và các bộ phận vũ khí. Crôm không được sử dụng với mục đích bảo quản từ đầu.

Tượng binh sĩ đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng tại thành phố Tây An, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters.)

"Lớp sơn mài trên tượng binh sĩ đất nung được sử dụng như lớp lót cho lớp sơn màu, và chúng tôi cho rằng có thể sơn mài cũng có trên các bộ phận bằng gỗ đã bị phân rã như tay cầm và trục", Marcos Martinón-Torres, nhà khảo cổ học tại Đại học Cambridge, nói với Reuters.

"Về bản chất, vũ khí của đội quân đất nung được bảo quản rất tốt, tuy nhiên đây vẫn được cho là do ngẫu nhiên", ông Martinón-Torres kết luận.

Đội quân đất nung bao gồm hàng nghìn tượng chiến binh, ngựa, cỗ xe bằng gốm và vũ khí bằng đồng, nằm trong lăng mộ dưới lòng đất của Tần Thủy Hoàng tại thành phố Tây An, Trung Quốc. Xây dựng từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên và được tìm ra vào năm 1974, lăng mộ là một trong những phát hiện vĩ đại nhất của ngành khảo cổ học thế kỷ 20.

Theo Zing

Các tin cũ hơn