|
Trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Quân sự Trung Quốc với Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Nghê Phong, ông nói một thập kỷ trước, các tàu chiến Mỹ tham gia các sự kiện tương tự nhưng “nay suy nghĩ của người Mỹ đã thay đổi”.
“Năng lực của Trung Quốc và của hải quân chúng ta đã gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Nay Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, vì thế họ quyết định chứng tỏ rằng họ không sẵn lòng hỗ trợ PLAN nữa”, ông Nghê nói.
Năm 2009, dịp kỷ niệm 60 năm thành lập PLAN, Mỹ đã cử đến tàu khu trục Fitzgerald. Theo flot.com, ở Trung Quốc, người ta cho rằng đây là biểu hiện cụ thể thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Trong cuộc diễu binh ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc, hải quân Nga cử đến khinh hạm hàng đầu lớp Project 22350, tàu Admiral Gorshkov. Đây là chuyến đi xa đầu tiên của con tàu này.
Hôm thứ Hai vừa rồi, tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lời chuyên gia Trung Quốc nói quân đội Trung Quốc không hề bị ảnh hưởng nếu Mỹ không cử tàu chiến tới và Mỹ sẽ”mất cơ hội hiểu hải quân Trung Quốc”.
Tuần trước, tờ Washington Free Beacon tường thuật rằng chính quyền của ông Trump đã quyết định không cử tàu chiến tới Trung Quốc diễu binh, cho dù quân đội Trung Quốc đã gửi lời mời.
Theo phía Trung Quốc, hơn 60 quốc gia đã xác nhận sẽ gửi phái đoàn tới dự sự kiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên số quốc gia phái tàu đến ít hơn nhiều, bao gồm các nước như Nga, Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines.
Ông Nghê Phong nói rằng quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là yếu tố quan trọng góp phần củng cố quan hệ tổng thể giữa hai quốc gia, khi hai bên nỗ lực giữ các xung đột và đối đầu quân sự trong vòng kiểm soát, nhưng điều đó không có nghĩa là quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ hải quân Trung Quốc.
|
Tàu tuần tra tên lửa Ngọc Lâm của PLAN trong một lần diễu binh |
Tờ Washington Free Beacon cũng nói rằng lời mời của phía Trung Quốc là nhằm sử dụng sự hiện diện của tàu chiến Mỹ để củng cố vị thế quốc tế của hải quân Trung Quốc và việc Mỹ quyết định không tham gia diễu binh ở Trung Quốc có thể dẫn đến chuyện các đồng minh hủy bỏ kế hoạch tham gia. Hoặc ít nhất cũng hủy bỏ phần cử tàu đến, chỉ phái quan sát viên.
Một chuyên gia Trung Quốc khác không muốn nêu tên nói với Hoàn cầu Thời báo, tờ báo có xu hướng dân tộc chủ nghĩa, rằng thật nực cười khi nói rằng sự có mặt của tàu chiến Mỹ có thể củng cố tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế, bởi “Trung Quốc đã làm điều đó bằng nỗ lực hợp tác quốc tế và đối thoại”.
Chuyên gia này còn nói “trao đổi quân sự sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên bởi việc này thúc đẩy hiểu biết và ngăn chặn các đánh gia sai lầm. Bằng việc giảm tương tác với Trung Quốc, Mỹ đang đánh mất cơ hội hiểu Hải quân Trung Quốc”.
“Nếu Bộ Ngoại giao Mỹ chặn việc cử tàu chiến đến Trung Quốc tham gia diễu binh, Trung Quốc sẽ không ngạc nhiên khi thấy rằng một số người ở Mỹ vẫn muốn duy trì não trạng Chiến tranh lạnh sai trái, nhìn nhận Trung Quốc như một kẻ thù tưởng tượng. Kiểu suy nghĩ này chỉ làm hại quan hệ với Trung Quốc”, vị chuyên gia này nói.
Theo Tiền Phong