|
Ông Joe Kelly, Giám đốc truyền thông toàn cầu của Huawei. |
Bất chấp bị Mỹ "cấm cửa" và gây áp lực, tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei vẫn đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ. "Không vào được Mỹ chúng tôi vẫn sống khỏe" là tuyên bố mà một sếp của Huawei đưa ra mới đây.
Trong vòng gần 1 năm qua, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gia tăng sức ép đối với Huawei - công ty được xem là toàn cầu nhất và đại diện cho sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc.
Những cáo buộc vốn có của Mỹ về an ninh mạng đối với Huawei được đẩy lên một cấp độ mới, khi Wahsington thuyết phục các quốc gia đồng minh ban lệnh cấm đối với thiết bị mạng 5G do Huawei cung cấp. Thậm chí, Mỹ ngầm cảnh báo các quốc gia lựa chọn hoặc Mỹ hoặc Huawei.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn là vụ bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, tại Vancouver, Canada theo đề nghị của Mỹ. Washington cáo buộc bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Nhiều nhà quan sát cho rằng với vị thế của mình, Huawei đã trở thành một "con thí tốt" trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Về phần mình, Huawei tiếp tục phủ nhận những cáo buộc của Mỹ, bác bỏ vai trò mà công ty được cho là có trong quan hệ Mỹ-Trung, và đưa ra những con số khả quan về kết quả kinh doanh.
Trong một cuộc gặp gỡ báo chí mới đây tại trụ sở công ty ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ông Joe Kelly, Giám đốc truyền thông toàn cầu của Huawei, khẳng định cho đến thời điểm hiện tại, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu cũng như sức ép gia tăng của Mỹ chưa có ảnh hưởng gì đến tình hình kinh doanh của Huawei.
Doanh thu của Huawei trong 2018 tăng 19,5% so với 2017, đạt 107 tỷ USD, đánh dấu năm đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Huawei tiếp tục tăng thêm 30%, ông Kelly cho hay.
"Cách đây 6 năm, khi tôi bắt đầu đảm nhiệm công việc tại Huawei, công ty hầu như không bán được gì cho Mỹ. Đến giờ cũng vậy, nhưng doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng tốt", ông Kelly, một người Ireland, phát biểu.
Theo ông Kelly, vào thời điểm năm 2012, doanh thu của Huawei là 35 tỷ USD. Trong vòng 6 năm, dù không mở được cánh cửa thị trường Mỹ, doanh thu của công ty vẫn tăng gấp hơn 3 lần.
"Như vậy, có thể nói Huawei vẫn sống khỏe dù không vào được thị trường Mỹ", ông nói.
Thậm chí, vị Giám đốc truyền thông Huawei còn cho rằng Mỹ có sự phụ thuộc không hề nhỏ vào Huawei vì dù Huawei hầu như không bán được sản phẩm cho Mỹ, nhưng lại mua khá nhiều trang thiết bị từ Mỹ, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Những con số mà ông Kelly đưa ra cho thấy Huawei mua 12 tỷ USD thiết bị của khoảng 50 công ty công ty Mỹ trong 2018, theo đó hỗ trợ 15.000 công việc tại Mỹ.
"Khi một công ty trở nên lớn hơn, thì những vấn đề mà họ gặp phải cũng nhiều hơn. Huawei cũng vậy, và chúng tôi phải chấp nhận điều này", ông Kelly nói.
Ông Kelly cũng cho rằng nếu Mỹ có bằng chứng về việc thiết bị của Huawei có "cửa sau", thì hãy đưa ra với các nhà mạng - đối tượng sử dụng thiết bị Huawei.
"Chúng tôi vẫn nói với Mỹ rằng nếu họ có bằng chứng cho cáo buộc của họ, thì hãy trưng ra với các nhà mạng, chứ đừng nói với công chúng hay nói với chúng tôi", ông Kelly nói. "Điều trớ trêu là Mỹ chưa từng có trải nghiệm gì về thiết bị của Huawei, nhưng lại luôn đưa ra những cáo buộc đối với Huawei".
Theo VnEconomy