Khi những hình ảnh đầu tiên về đống đổ nát bên trong Nhà thờ Đức Bà xuất hiện hôm 16/4, các kỹ sư trên khắp thế giới đã bắt đầu tính toán việc phục dựng lại công trình 850 tuổi này.
Nhiều chuyên gia cảnh báo việc khôi phục lại Nhà thờ Đức Bà như hiện trạng ban đầu có thể sẽ mất hàng chục năm. Nhưng mọi thứ có thể sẽ dễ dàng hơn với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến như cách mà người ta từng làm sau thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật Bản hay vụ cháy Bảo tàng Quốc gia Brazil, nơi robot và các công cụ kỹ thuật số giúp đi tới những nơi mà con người không thể mạo hiểm và sao chép các cổ vật bị thiêu rụi bởi ngọn lửa.
Tuy nhiên, bà Kinda Malon-France tới từ Ủy ban Quốc gia về Bảo tồn Lịch sử, một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân có trụ sở tại Washington, Mỹ cho rằng vấn đề nan giải là các kỹ sư và các nhà bảo tồn sẽ làm thế nào để kết hợp công nghệ hoàn toàn mới ở thế kỷ 21 với kỹ thuật thủ công cổ xưa.
Nhà thờ Đức Bà Paris tan hoang sau trận hỏa hoạn hôm 15/4. (Ảnh: AP) |
"Đây là sự giao hòa giữa công nghệ và thủ công. Thế giới sẽ theo dõi cách họ xử lý nó", bà Kinda cho hay.
Khi lực lượng cứu hỏa căng mình cứu các thánh tích bên trong Nhà thờ, máy móc công nghệ cao đã hỗ trợ đắc lực cho họ.
Từ trên không, một cặp máy bay không người lái thương mại do Trung Quốc sản xuất được trang bị camera HD - Mavic Pro và Matrice M210 đã giúp định vị vị trí đặt vòi nước. Trên mặt đất, robot chữa cháy Colossus xối nước vào các khu vực chìm trong lửa, hạ thấp nhiệt độ của các không gian chứa đầy thủy tinh.
Trong thời gian tới, một số công nghệ tương tự có thể sẽ được sử dụng trong quá trình phục dựng lại nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 13.
Một trong các ý tưởng mà các chuyên gia đang tính tới là đưa các máy bay không người lái tới các địa điểm khảo sát bên trong nhà thờ vốn rất nguy hiểm và dễ bị hư hại nếu các kỹ sư tiếp cận.
Ông Jerry Hajjar, giáo sư kỹ thuật dân dụng tới từ Đại học Đông Bắc cho biết máy bay không người lái được trang bị các cảm biến như máy ảnh nhỏ và máy quét laser sẽ cho phép các kỹ sư ghi lại thiệt hại sau vụ hỏa hoạn và tạo ra tầm nhìn ba chiều chính xác cho các vị trí cụ thể trong nhà thờ.
Bên cạnh đó, ông Hajjar nói rằng việc tận dụng các robot leo núi để kiểm tra và sửa chữa các cầu thép không phải là ý kiến tồi nếu nhìn lại những gì mà chúng làm được sau thảm họa Fukushima.
Một chiếc máy bay không người lái bay bên ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris để hỗ trợ cho công tác chữa cháy. (Ảnh: Bloomberg) |
Các chuyên gia cũng đang tính tới chuyện sử dụng bản đồ 3D về nhà thờ mà tiến sỹ Andrew Tallon và các cộng sự đã xây dựng sau khi sử dụng công nghệ quét laser vào năm 2015. Họ tin rằng bản đồ này có thể cung cấp các thông tin quan trọng để khôi phục công trình đã tồn tại gần 9 thế kỷ.
Một trò chơi phổ biến nữa cũng có thể sẽ được mang ra mổ xẻ phục vụ cho việc phục dựng "trái tim của Paris là “Assassin’s Creed” của hãng game Ubisoft. Caroline Miousse, họa sỹ tạo ra trò chơi này cho biết cô đã dành 2 năm nghiên cứu tỉ mỉ kiến trúc bên trong nhà thờ, tham khảo ý kiến các nhà sử học để đảm bảo từng viên gạch, từng bức tranh được đặt đúng vị trí trước khi tạo ra một Nhà thờ Đức bà gần như hoàn hảo trong phiên bản game.
Bên cạnh việc sắp xếp, kiến thiết lại các vị trí bên trong, các chuyên gia cũng đang đau đầu với việc lựa chọn nguyên liệu. Với phần mái nhà bằng gỗ sồi từ thế kỷ 13 gần như đã bị phá hủy toàn bộ, các kỹ sư nhiều khả năng sẽ cân nhắc sử dụng thép vốn nhẹ hơn và sẵn có hơn.
"Thay thế những gì đã mất không phải là thách thức lớn nhất. Cái khó là kết hợp giữa cái cũ và cái mới để mang tới một cái nhìn hoài niệm nhưng cũng phải đáp ứng quy tắc xây dựng hiện tại", ông Gary Howes, COO của The Durable Group, tập đoàn của các công ty phục chế lịch sử cho biết.
Theo ông Howes, dự án sẽ thiên về cảm xúc hơn là cấu trúc. Ông này tin rằng bất chấp công nghệ đang ngày càng phát triển, các thợ thủ công vẫn sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong quá trình phục dựng. May mắn là Pháp lại là nơi tập trung những thợ thủ công giỏi nhất thế giới.
Theo VTC