|
Một số phụ nữ mang con thơ theo bán vé số |
Không thể phủ nhận vai trò của người bán vé số dạo!
21 năm bán vé số dạo, anh mù Thạch Thảo Tâm Thương (41 tuổi, ở trọ P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM) gặp khá nhiều bất trắc trên bước đường mưu sinh. Đặc biệt, đã hơn chục lần anh bị kẻ xấu lừa phỉnh và cướp giật hàng trăm tờ vé số.
Tương tự anh Tâm Thương, không ít trường hợp gặp tai nạn, cạm bẫy khác trong khi bán vé số dạo phải tự chịu các thiệt hại (trừ một số ít bỏ trốn khỏi đại lý) và tự rút ra bài học xương máu cho mình. Hầu như không có nơi nào tập huấn, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ năng bán vé số hoặc làm chỗ dựa khi họ rơi vào tình cảnh ngặt nghèo.
Một số phụ nữ mang con thơ theo bán vé số |
Được biết, chỉ tính riêng khu vực miền Nam (từ Bình Thuận trở vào, gồm 21/63 công ty XSKT trên cả nước), hiện có trên 100.000 người bán vé số dạo, cao hơn gấp hai lần so với khoảng chục năm trước đây.
Gần đây, khi trả lời Báo Thanh Niên về sự quan tâm của các công ty xổ số kiến thiết (XSKT) đối với người bán vé số dạo, đại diện một công ty XSKT khu vực miền Nam cho rằng: Thông thường những người không thể làm được bất cứ lĩnh vực nào khác mới đi bán vé số dạo. Họ là người khuyết tật, già cả, neo đơn, quá tuổi lao động, chưa đến tuổi lao động, thậm chí không biết chữ...
Người mẹ trẻ này (quê Hà Tĩnh) thỉnh thoảng dừng lại cho con bú bởi đứa con quấy khóc |
Vị này lập luận: “Người ta đặt vấn đề công ty XSKT phải như thế này thế nọ với người bán vé số dạo mà sao không nghĩ ngược lại rằng nếu không có hoạt động xổ số này, ai sẽ lo cho họ? Có phải xã hội và Nhà nước phải lo không? Biết đâu khi đó họ phải đi ăn xin, làm những chuyện tàn tệ hơn? Còn bây giờ họ bỏ công sức, đổ mồ hôi kiếm đồng tiền chính đáng vừa nuôi sống bản thân và giúp gia đình, vừa góp phần cho doanh thu xổ số cao lên, để Nhà nước thu ngân sách nhiều hơn, từ đó phục vụ đầu tư công trình phúc lợi xã hội”.
Phải công nhận hoạt động XSKT đã và đang tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, cũng có một thực tế nữa không thể phủ nhận, đó là: Nếu không có đội ngũ đông đảo này, liệu các công ty XSKT có thể bán được hàng chục triệu tờ vé số/ngày?
Mặc dù các công ty XSKT chỉ ký hợp đồng với đại lý cấp 1, nhưng những đại lý cấp 1 này thường phải sử dụng hệ thống của mình gồm đại lý cấp 2, cấp 3 và nhất là những người bán dạo, mới có thể phân phối phần lớn lượng vé số đến tận tay khách hàng.
Mặt khác, có nhiều lý do khiến khách móc hầu bao mua vé số, nhưng lý do chủ yếu vẫn là mua vì tội nghiệp, vì ủng hộ cho người bán vé số nghèo khổ!
|
PV bán vé số ban đêm |
Cần có chính sách hỗ trợ những người “tận cùng cuộc sống”
Khi loạt bài Vé số đây! được đăng tải, ông Nguyễn Văn Dũng - nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn kinh tế Thanh niên TP.HCM, điện thoại cho người viết chia sẻ trăn trở về những chính sách hỗ trợ lẽ ra phải có của các công ty XSKT đối với những người bán vé số dạo khó khăn.
Sau khi PV có bài phản hồi Công ty xổ số có quan tâm người bán vé số dạo?, ông Nguyễn Văn Dũng tiếp tục chia sẻ: “Bài phản hồi gợi cho người ta nhiều suy nghĩ. Tôi tin rằng bài báo có những tác động khiến lãnh đạo các công ty xổ số phải có sự điều chỉnh chính sách, nhất là mua bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế cho những người bán vé số dạo khó khăn”.
Cụ già bán vé số trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3, TP.HCM) |
Đại diện một công ty XSKT thuộc khu vực miền Nam cho rằng: Nếu nói trách nhiệm thì phải được thực hiện với toàn bộ người bán vé số và đây mới là điều đáng bàn. Còn nếu nói đến một số trường hợp cá biệt thì đó chỉ mang tính hỗ trợ, lâu nay các công ty XSKT cũng đã làm từ việc trích quỹ phúc lợi của cán bộ, công nhân viên.
Tuy nhiên, ngay chỉ với khía cạnh “mang tính hỗ trợ”, nhìn lại các hoạt động phúc lợi, xã hội - từ thiện của nhiều công ty SXKT, chỉ thấy lác đác vài hoạt động quan tâm người bán vé số dạo chứ không hề có chương trình riêng chú trọng hỗ trợ những người bán vé số dạo đặc biệt khó khăn. Mặc dù cán bộ trong ngành xổ số từng thừa nhận những người bán vé số dạo “thuộc diện nghèo khổ, là đối tượng tận cùng của cuộc sống”.
Dựa dẫm vào nhau để mưu sinh |
Theo luật sư (LS) Phạm Hoài Nam (thuộc Đoàn LS TP.HCM), hiện nay, chưa có quy định pháp luật nào cụ thể để thành lập tổ chức đoàn hội trực tiếp quản lý, chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần của những người bán vé số dạo. Trong khi đó, đời sống vật chất và tinh thần của những người bán vé số dạo vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Do vậy, các cơ quan chuyên trách cần có chính sách để hỗ trợ những người bán vé số nhằm cải thiện đời sống của họ như một vấn đề phúc lợi xã hội.
Ngoài ra, LS Phạm Hoài Nam cho rằng cần có điều chỉnh về những vấn đề như: Hoạt động kinh doanh XSKT có lợi nhuận rất cao nhờ chi phí đầu tư thấp, phần trích ra trao thưởng so với tiền thu về không lớn (do tỷ lệ trúng thấp), vì vậy nên có cơ chế trả hoa hồng cho người bán vé số dạo cao hơn; Những người bán vé số là những người phân phối trực tiếp vé số đến khách hàng, do đó cần xem xét lại quy định, kiến nghị các công ty XSKT và các đại lý tiến hành ký kết hợp đồng lao động, điều chỉnh mối quan hệ giữa các đại lý và những người bán vé số theo quy định của Bộ luật Lao động 2012...
Theo Thanh Niên