Sáng nay Quốc hội giám sát tối cao về đất đai đô thị

Thứ hai, 27/05/2019, 08:43
Diện tích đất khu vực đô thị tăng nhanh, trong khi việc sử dụng đất còn bất cập, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại.

Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay 27/5 để giám sát tối cao tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Đoàn giám sát nội dung trên được Quốc hội thành lập tháng 6/2018 với hơn 27 thành viên và các chuyên gia, do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn.

Sau nhiều tháng làm việc với phương thức tổ chức các cuộc làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tại trung ương; tiến hành giám sát tại địa phương, cơ sở..., đoàn xây dựng báo cáo giám sát trình Quốc hội trong phiên làm việc sáng nay và các đại biểu sẽ thảo luận về báo cáo này.

Một dự án đô thị bỏ hoang tại huyện Mê Linh, Hà Nội.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng diện tích đất đô thị (chỉ tính các phường, thị trấn và các đô thị mới) là 1,4 triệu ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 60%, diện tích đất phi nông nghiệp chiếm hơn 37% (gồm đất ở 152.000 ha; đất chuyên dùng 281.000 ha...).

Những năm gần đây, diện tích đất khu vực đô thị tăng nhanh, chủ yếu là các loại đất ở đô thị (tăng 21.000 ha), đất xây dựng kết cấu hạ tầng (tăng 34.000ha).

Chính phủ cho rằng, việc sử dụng đất tại đô thị còn một số hạn chế, bất cập, như: Cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, tỷ lệ đất dành cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thấp (chiếm hơn 11% diện tích đất đô thị) so với yêu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM xảy ra tình trạng thiếu đất cho phát triển các công trình phúc lợi công công như giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, giao thông tĩnh. Trong khi nhiều công trình, dự án được giao đất đã nhiều năm nhưng không sử dụng hoặc chậm tiến độ xây dựng, gây lãng phí đất đai.

Báo cáo cũng nêu, từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, tình hình đơn thư khiếu nại về đất đai có xu hướng giảm so với giai đoạn trước (từ 2009 đến năm 2013) nhưng vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số đơn thư khiếu nại (trên 60%). Nội dung chủ yếu khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; khiếu nại đòi lại đất cũ đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn... Gần đây phát sinh một số khiếu nại liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi tài sản công, cải tạo chung cư cũ.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng đất đô thị cũng tồn tại nhiều bất cập như: Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế; có tình trạng xây dựng không tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc; chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai; Việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ thu tiền sử dụng đất, thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất...

Khu chung cư ở bán đảo Linh Đàm, Hà Nội.

Từ thực tiễn trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và các luật có liên quan như: Đầu tư, Đầu tư công, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Xử lý vi phạm hành chính...

Trong thời gian chưa sửa kịp thời Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm để xử lý một số nội dung liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch đô thị như: tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; định giá đất theo mô hình vùng giá trị; ban hành nghị quyết về cơ chế quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế quốc phòng của quân đội để đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay.

Theo VNE

Các tin cũ hơn