Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019.
Các đại biểu cũng thảo luận việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công, kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Phát biểu tại tổ TP.HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra các biến động có thể ảnh hưởng đến chỉ tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay.
Vị này nhận định rất có thể xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran, tác động giá dầu thế giới. Từ đầu năm giá dầu đã tăng 35%. Việc điều chỉnh giá xăng dầu theo tín hiệu thị trường sẽ tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Cũng liên quan đến giá dầu, đại biểu Phạm Phúc Quốc cho biết cử tri rất lo lắng về giá dầu thế giới tăng, kéo theo những mặt hàng liên quan tăng giá. Ông đề nghị Chính phủ cần có kịch bản cụ thể để ứng phó.
“Nếu giá dầu thế giới tăng, Chính phủ phải tính phương án giảm phí, giảm giá một số mặt hàng khác để đạt chỉ tiêu lạm phát”, ông Quốc đề xuất.
Nói về việc tăng giá điện, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết đã đọc báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội, nhưng ông không đồng tình về cách tính giá điện theo thang 6 bậc hiện nay. Vị này chỉ ra thực tế tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chỉ áp dụng 3 bậc giá. Tại Indonesia áp dụng 5 bậc.
“Tại Việt Nam áp dụng 6 bậc là quá nhiều. Trong khi mức tiêu thụ 0-50 kWh/tháng là quá thấp”, ông nói.
Ông Ngân đề xuất chỉ nên áp dụng 3 bậc thang giá điện. Cụ thể, bậc 1 áp dụng từ 0 đến 100 kWh; bậc 2 áp dụng từ 101 đến 300 kWh và bậc 3 từ 301 kWh trở lên.
“Bậc 2 từ 101 đến 300 kWh là hợp lý. Nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng lên, do thu nhập được cải thiện, điều kiện sinh hoạt cũng hơn trước, do đó định mức thang bậc phải có sự thay đổi. Có như vậy việc tăng giá điện mới không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân”, ông Ngân đề xuất.
Ông Ngân cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng năm 2018 đã đạt 7,08%, cao nhất 2008 đến nay. Ông cũng cho rằng chất lượng tăng trưởng đã tốt hơn, điển hình như đóng góp của khai khoáng vào GDP đã giảm dần, trong khi công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng tích cực hơn. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) hiện nay đã chiếm 45,2%, kéo theo chỉ số ICOR cũng tăng.
Tuy nhiên, ông Ngân bày tỏ sự lo lắng khi bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế giới hiện nay diễn biến rất phức tạp. Ông cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, bất ổn khu vực Trung Đông giữa Mỹ - Iran, khó khăn của tiến trình Brexit sẽ tạo ra những bất ổn cho thế giới và cả Việt Nam.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. |
“Độ mở của nền kinh tế Việt Nam đứng hàng đầu thế giới. Khi thương mại thế giới suy giảm thì kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động. Chính phủ cần phải xây dựng các kịch bản ứng phó biến động thế giới”, ông Ngân nói.
Ông Ngân chỉ ra thực tế việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để ứng phó với Mỹ sẽ tác động đến Việt Nam. Theo đó, từ tháng 8/2018 đến nay, Trung Quốc đã phá giá 9% đồng Nhân dân tệ. Việc đồng Nhân dân tệ bị phá giá khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ đi, dễ dẫn tới tràn vào Việt Nam.
“Chúng ta đã nhập siêu từ Trung Quốc 23 tỷ USD và có thể sắp phải nhập siêu nhiều hơn nữa. Chúng ta có nên phá giá tiền tệ để ứng phó hay không? Nếu phá giá thì sẽ phá vỡ ổn định vĩ mô, mất niềm tin vào chính sách tiền tệ. Do đó, chính sách phải rất khôn khéo và linh động”, ông Ngân nói.
Ông Ngân cũng cảnh báo Việt Nam cũng đang nằm trong nhóm những nước xuất siêu nhiều nhất vào Mỹ và đang bị nước này “để ý”. Do đó, vị này mong Chính phủ cần có chính sách ứng phó kịp thời.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Chương chỉ ra thực trạng dòng vốn đầu tư FDI nói chung và từ Trung Quốc nói riêng đang đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều do chiến tranh thương mại. Ông đề nghị Chính phủ cần phải hết sức cảnh giác khi tiếp nhận đầu tư.
“Cần phải lựa chọn nguồn đầu tư có chất lượng, không nhắm mắt tiếp nhận. Cũng cần phải có chính sách xem lại ưu đãi quá nhiều với doanh nghiệp FDI, khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh, không thể vươn lên”, ông Chương nói.
Một số vấn đề kinh tế - xã hội khác cũng được đại biểu nêu. Đại biểu Phạm Phúc Quốc cho rằng chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả sử dụng vốn tại các địa phương hiện nay, để biết tỉnh thành nào sử dụng tốt nguồn này. Ông đề xuất cần có báo cáo này để qua đó phân chia ngân sách từ Trung ương sao cho hợp lý.
“Tỉnh nào có tỷ suất sử dụng vốn tốt, tạo ra GDP tốt thì cấp vốn trung ương nhiều hơn. Chúng ta nên so sánh”, ông đề xuất.
Ông Quốc cũng cho rằng để thực hiện 3 đột phá chiến lược, Chính phủ cần cần đánh giá việc hoàn thiện khung pháp lý thực hiện các dự án đối tác công - tư (PPP). Ông cũng đề xuất đánh giá sự đóng góp giá trị gia tăng với 70% hàng hóa xuất khẩu của cả nước của khối FDI.
Đại biểu Quốc cũng lo lắng về số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể đang có dấu hiệu tăng cao. Cụ thể 4 tháng đầu năm số lượng này lên tới 65% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, trong khi năm 2018 chỉ là 58%. Ông đề nghị cần cần xem lại môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, bởi khi tiếp xúc cử tri, doanh nghiệp vẫn than thở về thủ tục hành chính.
Theo Zing