|
Vào đúng thời điểm Huawei đang nỗ lực vươn tới vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ 5G, gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc lại phải chiến đấu trên nhiều mặt trận: CFO bị bắt ở Canada, hãng bị Mỹ buộc tội hình sự và cấm mua các linh kiện từ các công ty Mỹ, đồng thời có nguy cơ bị loại khỏi các dự án cơ sở hạ tầng viễn thông trên khắp thế giới. Huawei còn trở thành "ông ba bị" để Tổng thống Trump lấy ví dụ về các công ty Trung Quốc đang bí mật làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Vì sao Mỹ nhằm vào Huawei?
Huawei nhận được sự ưu đãi đặc biệt ở Trung Quốc, và các quan chức Mỹ cùng với nhiều lãnh đạo trong ngành lâu nay đã nghi ngờ Huawei phục vụ lợi ích của Chính phủ Trung Quốc. Một báo cáo được Ủy ban tình báo của Hạ viện Mỹ công bố năm 2012 chỉ rõ Huawei và ZTE là mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.
Báo cáo này cho biết Huawei đã từ chối miêu tả đầy đủ quá trình đào tạo quân sự của Ren Zhengfei – người từng là kỹ sư phục vụ trong Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trước khi lập ra Huawei năm 1987.
Năm 2018, những lo ngại về Huawei lại nổi lên sau khi chính quyền Trump chặn đứng thương vụ Broadcom thâu tóm nhà sản xuất chip Qualcomm của Mỹ với lý do thương vụ này có thể trao lại vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ không dây và sản xuất chip cho Huawei.
Huawei lớn đến đâu?
Chỉ trong 3 thập kỷ, Huawei đã lớn mạnh từ 1 công ty chuyên thanh lý các thiết bị điện tử thành một trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới, dẫn đầu trong nhiều mảng gồm thiết bị viễn thông, smartphone, điện toán đám mây và an ninh mạng.
Có mặt ở châu Á, châu Âu và châu Phi, công ty đặt mục tiêu doanh thu 2019 đạt 125 tỷ USD. Công ty tạo ra doanh thu lớn hơn cả những công ty nổi tiếng của Mỹ như Home Depot hay Boeing.
Hãng đã chi hàng tỷ USD vào công nghệ 5G và hiện sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất ở cả trong và ngoài nước. Huawei giúp xây dựng hệ thống mạng 5G tại hơn 10 quốc gia và có kế hoạch đến năm 2020 sẽ làm được điều tương tự tại 20 quốc gia khác.
Huawei cho biết đang thiết kế con chip của riêng mình, trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Qualcomm. Dòng chip Kirin được Huawei sản xuất thông qua HiSilicon đang cạnh tranh với con chip Snapdragon của Qualcomm – loại chip đang được các nhà sản xuất smartphone trên toàn cầu sử dụng rộng rãi. Trong khi đó dòng chipset Kunpeng đe dọa vị trí thống trị thị trường server của Intel.
Chính quyền Trump đã giáng những đòn nào vào Huawei?
Ông Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp hạn chế khả năng bán thiết bị viễn thông ở Mỹ và quan trọng hơn là hạn chế hoạt động mua linh kiện từ các nhà cung ứng Mỹ của Huawei. Ngày 17/5, Huawei bị liệt vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, theo đó các công ty Mỹ buộc phải xin giấy phép đặc biệt để được phép bán sản phẩm cho Huawei. Qualcomm, Intel, Google và nhiều ông lớn công nghệ khác bắt đầu cắt đứt nguồn cung các phần mềm và linh kiện quan trọng cho công ty Trung Quốc.
Ngoài chuyện dây chuyền sản xuất của Huawei bị ảnh hưởng, những diễn biến mới còn đe dọa quá trình triển khai mạng 5G trên toàn cầu. Các quốc gia và nhà mạng sẽ phải tìm đến những thiết bị đắt đỏ hơn được sản xuất bởi Nokia và Ericsson.
Vì sao những thiết bị của Huawei bị nghi hoặc?
Chính phủ Mỹ - cũng giống như Chính phủ Trung Quốc và nhiều nước khác – e ngại không muốn sử dụng công nghệ của nước ngoài cho các hoạt động thông tin truyền thông quan trọng bởi lo ngại các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài có thể cài cắm cửa hậu để cơ quan tình báo của nước nhà tiếp cận các thông tin tuyệt mật và những dữ liệu nhạy cảm.
Nhà mạng Vodafone đã tìm thấy (và sửa chữa) những cửa hậu trên thiết bị Huawei được sử dụng tại Italia trong năm 2011 và 2012. Mặc dù khó có thể khẳng định đây là lỗi vô tình hay cố ý, vụ việc đã giáng một đòn mạnh vào danh tiếng của Huawei. Mới đây Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết Mỹ có thể ngừng chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh ở NATO nếu họ sử dụng thiết bị Huawei.
Dẫu vậy, một số đồng minh của Mỹ như Anh và Đức vẫn lưỡng lự không muốn hoàn toàn loại bỏ Huawei khỏi công cuộc xây dựng mạng lưới 5G, một phần vì lý do giá cả.
Huawei nói gì?
Huawei đã nhiều lần bác bỏ lập luận hãng đang giúp Bắc Kinh theo dõi các Chính phủ và công ty nước ngoài, chỉ ra rằng không ai có bằng chứng cụ thể. Trong vài năm trở lại đây, hãng cũng đã bắt đầu công bố báo cáo tài chính, chi nhiều tiền hơn cho marketing và tương tác với truyền thông quốc tế trong nỗ lực tăng cường sự minh bạch.
Hồi tháng 1, Ren – người từ trước đến nay rất kín tiếng – đã lên tiếng chia sẻ những khó khăn mà công ty đang gặp phải, trong đó có cả sự kiện CFO Meng Wanzhou (cũng là con gái ông) bị bắt ở Canada.
Đến tháng 3, Huawei nộp đơn lên tòa án liên bang kiện Chính phủ Mỹ.
Đã từng có vụ tương tự?
Năm 2003, Cisco Systems kiện Huawei với cáo buộc công ty này đã vi phạm bản quyền và lén lút sao chép mã nguồn mở của hãng. Năm 2010 Motorola cũng cáo buộc Huawei ăn cắp bí mật thương mại.
Năm 2017, Huawei bị cáo buộc ăn cắp công nghệ robotic từ nhà mạng T-Mobile. Ngoài ra 1 nhân viên của Huawei từng bị Ba Lan bắt giữ vì nghi ngờ làm gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc. Người này sau đó đã bị sa thải.
Theo Tri Thức Trẻ