Thị trường bán lẻ: Sự đào thải khắc nghiệt

Thứ tư, 22/05/2019, 16:08
Thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến có quy mô 180 tỷ USD vào năm 2020 tiếp tục diễn ra cuộc đào thải mạnh mẽ và có sự trỗi dậy của một số mô hình bán lẻ mới.

Các siêu thị Auchan tại Việt Nam không có các tiện ích, giá thuê mặt bằng cao... dẫn đến thua lỗ.

Mới đây, Tập đoàn bán lẻ Auchan của Pháp tuyên bố rút chân khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam. Đây là tập đoàn bán lẻ châu Âu cuối cùng còn kinh doanh tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Trước đó, năm 2016, Tập đoàn Casino của Pháp bán chuỗi siêu thị BigC cho Central Group của Thái Lan. Năm 2014, Tập đoàn Metro của Đức rời khỏi Việt Nam sau khi chuyển nhượng hệ thống bán lẻ cho Tập đoàn TCC của Thái Lan sau nhiều năm kinh doanh không thuận lợi. Trước khi chuyển nhượng, Metro có 19 trung tâm thương mại tại 14 tỉnh, thành phố, 5 kho trung chuyển và tổng cộng 3.600 nhân viên.
Parkson cũng thất bại tại thị trường Việt Nam. Parkson là thành viên của Lion, tập đoàn quốc tế được thành lập từ năm 1930 tại Malaysia, gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2005. Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh thua lỗ khiến Pakson phải đánh giá lại thị trường và tuyên bố đóng cửa các trung tâm thương mại.
Không ít doanh nghiệp bán lẻ nội địa cũng phải “bán mình” vì sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường như Family Mart, Fivimart…
Vì sao Auchan dừng kinh doanh tại Việt Nam?
Auchan là tập đoàn bán lẻ lớn của châu Âu với khoảng 900 đại siêu thị, hơn 860 siêu thị mini và 370 trung tâm thương mại tại 16 quốc gia. Auchan có mặt ở Việt Nam từ năm 2015, từng lên kế hoạch sẽ đầu tư 500 triệu USD để phát triển các siêu thị, đại siêu thị.
Ông Jordi Fernandez, Tổng giám đốc Auchan Retail Việt Nam từng chia sẻ, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, lối đi riêng của Auchan là tập trung vào sản phẩm chất lượng, tươi ngon, quản lý chặt chẽ các quy trình từ nhập khẩu, lựa chọn nhà cung cấp, chế biến, bảo quản. Doanh nghiệp có kế hoạch mở hai kho hàng tại Bắc Ninh, Đồng Nai để phục vụ cho các cửa hàng ở miền Bắc và miền Nam, phát triển mạnh kho bãi, hậu cần, logistic.
Trao đổi với, đại diện truyền thông của Auchan Việt Nam xác nhận, Auchan sẽ ngừng kinh doanh tại Việt Nam, hiện đang trong quá trình thương thảo với các đối tác bán lẻ Việt Nam để tìm ra đơn vị nhận chuyển nhượng. Hiện tại, Auchan có 18 siêu thị ở TP.HCM, Hà Nội, Tây Ninh.
Thua lỗ là nguyên nhân chính khiến Auchan phải tính toán lại việc kinh doanh của mình. Năm 2018, doanh thu của Auchan là 50 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng. Trong khi cùng năm đó, Tập đoàn mẹ Auchan tại Pháp lỗ 1 tỷ Euro. Việc rút vốn khỏi Việt Nam nằm trong kế hoạch của tái cấu trúc thị trường của Tập đoàn mẹ, thời gian này sẽ dừng kinh doanh tại cả Ý và Việt Nam.
Một chuyên gia bán lẻ cho rằng, nguyên nhân thất bại của Auchan tại thị trường Việt Nam chủ yếu là do mô hình siêu thị độc lập, không có các tiện ích. Trong khi đó, khách hàng có xu hướng tìm đến các khu siêu thị phức hợp có nhiều tiện ích khác bên cạnh mua sắm như khu vui chơi, rạp chiếu phim, cửa hàng đồ ăn nhanh…
Bên cạnh đó, giá thuê mặt bằng cao cùng các chi phí quản lý tạo ra áp lực lớn. Khác với nhiều doanh nghiệp khác, Auchan đi theo hướng kết hợp với các chủ đầu tư để xây dựng siêu thị ngay tại khu chung cư. Giá thuê mặt bằng của Auchan hiện tại vào khoảng 12 USD/m2/tháng, trong khi các hệ thống bán lẻ khác thường phải chi trả mức giá khoảng 8 USD/m2/tháng.
Chuỗi siêu thị Auchan đang được Tập đoàn thương thảo với các đối tác để chuyển nhượng sau 4 năm tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam.
Ngoài ra, mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có lợi thế len lỏi khắp các ngõ ngách cạnh tranh với các siêu thị truyền thống như Auchan.
Theo ông Vũ Vinh Phú, cựu Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, không phải cứ có cửa hàng to đẹp là thắng lợi, mà cần nghiên cứu sức mua thị trường Việt Nam để biết sắp xếp hàng hóa, tìm hiểu văn hóa, gu tiêu dùng, giao tiếp khi bán hàng…
Doanh nghiệp FDI rút, một số doanh nghiệp nội rút, thị trường bán lẻ để cho ai? Tôi cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh tử tế, có chiến lược tốt, có tiềm lực tài chính sẽ thắng ở cuộc cạnh tranh này”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Thị trường bán lẻ hiện nay đang nổi lên những tên tuổi như Vinmart (1.700 điểm bán lẻ), Co.op Mart (700 điểm bán lẻ), cùng các đại siêu thị như Aeon Mall, Lotte.
“Tuy nhiên, thực tế, bán lẻ không lãi nhiều. Thời kỳ tôi mở siêu thị bán lẻ đầu tiên, sau khi trừ chi phí, lãi gộp khoảng 5 - 7%. Bây giờ, cạnh tranh gay gắt, lãi gộp thấp hơn”, ông Phú cho hay.
Hiện nay, ước tính có khoảng 2 - 3% người dân vào siêu thị mua hàng, còn lại là đi chợ truyền thống. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có triển vọng phát triển, nhưng dự báo sẽ tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ, có hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” và hoạt động mua bán, sáp nhập diễn ra sôi động.
Sự vươn lên của cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử
Phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á, 37%/năm. Phân khúc thương mại điện tử cũng đang phát triển mạnh. Giai đoạn 2018 - 2025, Google và Temasek dự báo, doanh thu thương mại điện tử sẽ có tốc độ tăng trưởng 40%/năm.
Theo IDG Research, hiện có gần 10 doanh nghiệp, quy mô gần 100 cửa hàng, với lợi thế len lỏi được trong khu dân cư, người tiêu dùng dễ tiếp cận. Mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ cạnh tranh mạnh mẽ với các siêu thị và đại siêu thị.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng phình to, quy mô năm 2018 đạt 8 tỷ USD. CBRE Researh dự báo, tốc độ tăng trưởng của bán lẻ trực tuyến sẽ duy trì mức tăng trưởng gấp 8 - 10 lần kênh bán lẻ offline, đẩy kênh offline đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu.
Một số doanh nghiệp bán lẻ đã tìm cách chuyển đổi mô hình từ siêu thị sang phát triển cửa hàng tiện ích như Saigon Co.op. Ông Trần Lâm Hồng, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, chuyển đổi mô hình thành các cửa hàng tiện lợi sẽ giúp phủ nhanh các mặt hàng trước đây ở các khu vực miền Bắc mà Công ty gặp khó khăn trong việc mở siêu thị, đại siêu thị. Hiện Sai Gon Co.op có khoảng 700 điểm bán lẻ trên khắp cả nước.
Đại diện Lotte cho biết, doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh linh hoạt như mua sắm trực tuyến kết hợp mua sắm tại siêu thị cùng các chương trình khuyến mại để cạnh tranh với các mô hình siêu thị khác và các trang thương mại điện tử.
Có thể thấy, không chỉ các siêu thị có áp lực cạnh tranh với nhau, mà còn gặp áp lực với các cửa hàng tiện lợi, các công ty công nghệ, cùng các trang bán hàng online như Amazon, Shopee, Sendo, Lazada...
Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Novaon cho biết: “Thương mại điện tử là một mảnh đất màu mỡ, nhưng cũng vô cùng khốc liệt, chỉ dành cho những nhà đầu tư lớn, với tiềm lực tài chính mạnh. Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, Novaon đã tìm ra được lối đi riêng để phát triển ở thị trường này”.
Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, Savills Hà Nội cho rằng, thị trường bán lẻ đang chứng kiến cuộc đua cạnh tranh khốc liệt, nhất là mảng bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh. Nếu không có chiến lược, chính sách phù hợp, doanh nghiệp sẽ không tồn tại được và hoạt động M&A sẽ diễn ra.

Theo Đầu tư chứng khoán

Các tin cũ hơn