Trong cuộc chiến của mình với Trung Quốc về thương mại và an ninh quốc gia, Mỹ có nhiều bất bình chính đáng và nhiều loại "vũ khí" để tìm kiếm sự đền bù. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ nên sử dụng tất cả chúng.
"Tên lửa hạt nhân" mà Mỹ vừa phóng vào Huawei Technologies Co. Ltd. là một trường hợp điển hình. Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã đặt Huawei và gần 70 chi nhánh của công ty này vào danh sách đen, nghĩa là các nhà cung cấp của Mỹ giờ đây có thể phải cần có giấy phép để kinh doanh với họ. Cả điện thoại di động và các thiết bị mạng của Huawei đều phụ thuộc vào các linh kiện của Mỹ, bao gồm cả chất bán dẫn tiên tiến. Nếu được áp dụng nghiêm ngặt, lệnh cấm có thể khiến một trong những công ty cao cấp nhất của Trung Quốc – với hơn 180.000 nhân viên – phá sản.
Đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, theo Bloomberg. Mỹ từ lâu đã lập luận rằng Huawei tạo ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Và chắc chắn có những lý do chính đáng để lo lắng rằng việc kết hợp thiết bị Huawei vào các mạng của Mỹ sẽ khiến họ dễ bị gián điệp và trong trường hợp xảy ra xung đột, là phá hoại. Tuy vậy, Mỹ đang thực hiện các bước thận trọng khác để ngăn chặn thiết bị Huawei được sử dụng trong nước. Tìm cách để làm cho công ty này phá sản là vừa không phù hợp vừa kém khôn ngoan.
Một là, điều đó sẽ gây ra thiệt hại không mong muốn. Các công ty không đáng trách trên toàn thế giới - gồm cả những nhà cung cấp cho Huawei đến từ Mỹ - có thể mất việc kinh doanh, đối mặt với sự gián đoạn và phải chịu những chi phí mới đáng kể. Các đồng minh mà đã chống lại áp lực của Mỹ là "phải tránh xa những thiết bị của Huawei" sẽ phẫn nộ khi bị dồn vào góc tường. Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump nới lỏng chiếc thòng lọng một chút, thì cũng khó có thể đảm bảo rằng sau này những chuyện tương tự sẽ không lặp lại. Còn về phần mình, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi nỗ lực của họ để sản xuất ra các công nghệ tiên tiến trong nước.
Với vai trò là một chiến lược đàm phán, quyết định trên thậm chí còn ít ý nghĩa hơn. Các quan chức Mỹ tuyên bố rằng nó không liên quan gì đến những cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ, nhưng có vẻ như Tổng thống Donald Trump muốn sử dụng Huawei làm đòn bẩy, giống như năm ngoái ông đã làm với ZTE. Ông Trump đã thường xuyên yêu cầu an ninh quốc gia theo đuổi những trận chiến thương mại rải rác của mình. Làm như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ khủng khiếp khác trong khi gần như chắc chắn phản tác dụng: nó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bế tắc hiện tại và mang lại cho Bắc Kinh ít động lực để tuân thủ bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào.
Tồi tệ hơn, quyết định trên còn làm suy yếu điều mà dường như là mục đích của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa Mỹ và Trung Quốc: không chỉ để tăng cường thương mại mà còn ổn định quan hệ giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Trong khi căng thẳng là không thể tránh khỏi, thì về lý thuyết, một mối quan hệ thương mại lành mạnh sẽ khôi phục lại chất liệu giúp ổn định, nhắc nhở cả hai bên về lợi ích của sự hợp tác và củng cố lượng cử tri thích hòa bình hơn là chiến tranh trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Ngược lại, nhắm mục tiêu vào Huawei một cách trần trụi như thế sẽ chỉ càng làm cho tiếng nói của một số ít người ôn hòa trong giới lãnh đạo Trung Quốc trở nên ít quan trọng hơn và khuyến khích những nhân vật "diều hâu" xem xung đột là không thể tránh khỏi. Đối với người dân Trung Quốc bình thường, sẽ khó tránh khỏi ấn tượng rằng Mỹ chỉ đơn giản là đang cố gắng hạn chế khả năng kinh tế của họ.
Ngay cả khi không xem xét đến những yếu tố bên ngoài và chỉ nhìn theo quan điểm của Mỹ, thì rốt cuộc sự "thí tốt" này cũng có khả năng thất bại. Để có hiệu quả, một cuộc tấn công vào Huawei sẽ cần được lồng vào một chiến lược lớn hơn, với ý định rõ ràng hơn. Không có bằng chứng gì cho thấy điều đó. Mục đích là làm tê liệt ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc? Dạy cho đất nước này biết vị trí của họ đang ở đâu? Tạo thuận lợi cho một nhà cung cấp không phải là Trung Quốc? Gây ra mâu thuẫn? Kết thúc mâu thuẫn? Nếu không có một mục tiêu tập trung hơn, ông Trump có nguy cơ chỉ làm cho các đồng minh của Mỹ xa lánh mình, gây phẫn nộ cho người dân Trung Quốc và làm tăng khả năng đối đầu, tất cả đều vô ích.
Những gì Mỹ cần là một kế hoạch lớn hơn nhằm tìm kiếm sự chung sống lành mạnh hơn với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là xây dựng hệ thống phòng thủ của Mỹ, tận dụng sức mạnh cạnh tranh của mình, hợp tác với các đồng minh để gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc toàn cầu và đi đầu trong việc viết ra những quy tắc mới mà có thể hạn chế hành vi gây rối hơn của họ. Ngược lại, nghiền nát Huawei chỉ là một tính toán sai lầm về mặt chiến lược – và là một điều chứa đựng những hậu quả tai hại tiềm tàng.
Theo Tri Thức Trẻ