Sáng 22/5, tại phiên họp tổ ở kỳ họp 7 Quốc hội khoá XIV, lãnh đạo Bộ GTVT nêu ra nhiều bất cập trong cơ chế, nguồn lực khiến nhiều dự án giao thông chậm triển khai.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, Luật Đầu tư công hiện nay yêu cầu khi Quốc hội bố trí vốn thì mới triển khai các công việc tiếp theo. Quyết định như vậy đảm bảo cho chúng ta có nguồn vốn để thực hiện đầy đủ dự án nhưng cũng gây ra bức xúc xã hội.
"Tôi lấy ví dụ dự án sân bay quốc tế Long Thành. Việc thực hiện một dự án trọng điểm quốc gia thì chúng tôi phải thi tuyển kiến trúc, toàn bộ các hồ sơ mời thầu, xét thầu phải theo trình tự quốc tế, nó mất rất nhiều thời gian và không làm khác được. Khi đã có một mẫu tuyển kiến trúc quốc tế rồi thì chúng ta không được quyền thay đổi", ông Thể nêu ví dụ.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. |
Sau khi thi tuyển mẫu quốc tế, Bộ GTVT mới thực hiện công tác đấu thầu quốc tế làm dự án. Phải mời thầu, xét thầu, công bố trúng thầu… sau đó nhà thầu mới trực tiếp vào giám sát.
Với sân bay quốc tế Long Thành, nhà thầu làm hơn một năm mới báo cáo được toàn diện các mặt. Đến tháng 10 này, Bộ GTVT sẽ báo cáo cáo Quốc hội về dự án đầu tư sân bay Long Thành và sau khi Quốc hội đồng ý thì Chính phủ mới phê duyệt dự án. Sau đó đơn vị lập dự án đầu tư lại tiếp tục thi tuyển nhà đầu tư để làm chủ đầu tư…
Như vậy từ ngày Quốc hội cho chủ trương bố trí vốn làm sân bay Long Thành rồi thi tuyển kiến trúc, lập dự án quốc tế qua chọn nhà đầu tư rồi qua khâu thiết kế là mất 3 năm. Đó là trình tự không thể làm khác được.
"Việc bố trí tiền rồi mà 3 năm vẫn chỉ lo thủ tục (chưa nói đến công tác giải phóng mặt bằng) có hợp lý hay không?", ông Thể nêu câu hỏi.
Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Quốc hội nên biểu quyết giữa nhiệm kỳ một gói tín dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư cho nhiệm kỳ sau. Mục đích để những nhà đầu tư có những dự án lớn có thể làm trong hai năm rưỡi, rồi khi bố trí vốn Quốc hội thì triển khai đấu thầu xây lắp và làm ngay. Nếu đợi đầu nhiệm kỳ mới bố trí vốn thì trong 3-4 năm các chủ đầu tư như Bộ GTVT không thể nào giải ngân được.
"Dư luận thì nói sao bố trí tiền rồi mà không làm nhưng Luật Đầu tư công như vậy thì xem thử bộ ngành có làm được hay không? Tôi nghĩ rằng việc cải tiến bố trí vốn và trình tự thủ tục của Luật Đầu tư công cần phải xem xét lại", ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành. |
Bộ trưởng GTVT cho biết cả nhiệm kỳ này Bộ được giao 2 công trình trọng điểm quốc gia và đây cũng là 2 dự án duy nhất được Quốc hội biểu quyết. Đó là Sân bay quốc tế Long Thành và dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
"Về tiến độ của sân bay quốc tế Long Thành, đến nay chúng tôi đã bố trí ngân sách của Quốc hội cho tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang triển khai công tác kiểm đếm và phê duyệt. Trong năm nay tỉnh sẽ giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 (khoảng 1.800ha). Tất cả những công việc này tỉnh Đồng Nai cũng không thể nào làm khác được vì phải đúng theo luật đầu tư công", ông Thể nói.
Sau khi có ý kiến Quốc hội, Bộ GTVT đã bố trí một liên doanh 6 nhà đầu tư trong và ngoài nước về tư vấn lập dự án, dự kiến trong tháng 6 sẽ trình lên Chính phủ.
Chính phủ hiện nay cũng đã thành lập hội đồng đồng thẩm định quốc gia do Bộ Kế hoạch Đầu tư làm chủ. Từ tháng 7 đến tháng 9, Bộ GTVT sẽ trình ra các ủy ban để cố gắng tháng 10 sẽ trình một dự án tổng thể để quốc hội xem xét cho ý kiến.
"Về dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, đến tháng 10/2018 chúng tôi đã phê duyệt toàn bộ 11 dự án thành phần. Đến nay 11 dự án thành phần đã có tư vấn thiết kế thế. Từ tháng 7 đến tháng 12 này chúng tôi sẽ cố gắng khởi công toàn bộ các gói thầu của 3 dự án đầu tư công. Chỉ riêng cầu Mỹ Thuận 2 là cầu lớn nên cần có thẩm tra của tư vấn quốc tế nên chậm hơn (chuyển qua đầu 2020)", Bộ trưởng GTVT cho biết.
Riêng 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) thì 11 địa phương có dự án đi qua đang tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Bộ GTVT đang sơ tuyển nhà đầu tư và đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Có tới 170 nhà thầu, nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia hội nghị và có khoảng 70 hồ sơ của các liên danh trong và ngoài nước gửi đến.
Đến tháng 9, Bộ GTVT sẽ sơ tuyển hồ sơ, từ tháng 10 đến tháng 3/2020 sẽ xét thầu và sau đó mở thầu. Trong quý 1 năm 2020 sẽ tìm ra được 8 nhà đầu tư cho 8 dự án.
"Chúng tôi biết so với yêu cầu của Đảng, Chính phủ và nhân dân thì hai dự án này bị đánh giá là chậm, nhưng chúng tôi khẳng định không làm khác Luật Đầu tư công", ông Thể khẳng định.
Vai trò của ngành GTVT là đi trước mở đường, tuy nhiên khó khăn về vốn là rất lớn. Đầu nhiệm kỳ này thì 90% năm vốn ngân sách đã được quốc hội biểu quyết danh mục, chỉ còn lại 10% là dự phòng để giải quyết các bức xúc nghiêm trọng như thiên tai địch họa.
"Nhiều địa phương và nhiều công trình hiện nay đang rất cần vốn để để tạo đột phá nhưng nhiệm kỳ này chúng ta không còn tiền để bố trí", lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Theo Zing