Đài ABC ngày 28.5 dẫn lời chuẩn tướng Richard Owen, tư lệnh nhóm chuyên trách dẫn đầu các tàu Hải quân Hoàng gia Úc thăm Việt Nam cho hay đã bị tàu Trung Quốc bám đuôi trên Biển Đông.
Theo đó, nhóm tàu đã bị bám theo 2 lần ở Biển Đông khi đến thăm cảng Cam Ranh và trên đường về.
Ông Owen cho biết các tàu đi qua phía Bắc và phía Nam Biển Đông ở vùng biển quốc tế.
“Chúng tôi rất nhạy đối với mọi tình huống của hải quân, chúng tôi được huấn luyện khả năng đó. Chúng tôi biết rõ họ sẽ cư xử ra sao và chúng tôi cư xử thế nào. Do đó tôi hoàn toàn không lo ngại vì tôi tin vào năng lực của Hải quân Hoàng gia Úc và Lực lượng Quốc phòng Úc”, ông nói.
Vào ngày 7.5, tàu đổ bộ HMAS Canberra và tàu hộ vệ tên lửa HMAS Newcastle của Hải quân cập Cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), bắt đầu chuyến thăm xã giao Việt Nam.
Ông Owen thông tin về việc tàu Trung Quốc bám đuôi sau khi tàu HMAS Canberra về đến cảng Darwin, sau khi tham gia hoạt động Indo-Pacific Endeavour 2019 trong 3 tháng.
Hoạt động này gồm các chuyến thăm 7 nước ở châu Á cùng 3 tàu khác, các máy bay và hơn 1.200 người.
Tàu HMAS Canberra, một trong hai tàu đổ bộ lớp Canberra và là con tàu lớn nhất được đóng cho Hải quân Hoàng gia Úc, có hai nhiệm vụ song song.
HMAS Canberra được tích hợp các hệ thống đổ bộ từ trên không và đường biển phức tạp và mạnh nhất trên thế giới cũng như đem lại năng lực thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tàu dài 230 mét, cao 30 mét và có lực giãn nước 27.000 tấn. Tàu có thể thực hiện chiến dịch đổ bộ bằng xuồng và trực thăng cho 1.000 quân cùng vũ khí, đạn dược, quân trang, xe bọc thép cũng như chuyên chở hàng hóa dành cho mục đích cứu trợ nhân đạo khi cần thiết.
Tàu có tốc độ tối đa 20 hải lý (35km/h) và có thể hoạt động độc lập ở tầm xa 6.000km.
Trong khi đó, tàu HMAS Newcastle là tàu hộ vệ tên lửa và là loại tàu hộ vệ tầm xa. Tàu có khả năng phòng không, tác chiến mặt nước và tác chiến ngầm, trinh sát, tuần thám và đánh chặn.
Trước đó vào tháng 4.2018, ba tàu hải quân Úc đã bị tàu Trung Quốc thách thức trên Biển Đông khi trên đường đến thăm Việt Nam. Ba tàu hải quân Úc với thủy thủ đoàn gồm tổng cộng 73 sĩ quan và 569 thủy thủ cập cảng Sài Gòn vào ngày 19.4.2018.
Khi đó, Bộ Quốc phòng Úc ra thông cáo cho biết lực lượng quốc phòng nước này luôn duy trì chương trình hợp tác quốc tế với các nước thuộc khu vực Biển Đông từ nhiều thập niên qua, trong đó có tập trận song phương, đa phương, viếng thăm, giám sát hàng hải và quá cảnh.
Các tàu và sân bay của Úc sẽ “tiếp tục thực thi quyền theo luật pháp quốc tế về tự do hàng hải và hàng không” trong đó có khu vực Biển Đông, thông cáo viết.
Theo Thanh Niên