|
Iran bác tin khởi động đàm phán với Mỹ để giải quyết bất hòa giữa hai nước. (Ảnh: Reuters) |
Theo PV tại Trung Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nêu rõ: "Không có đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp giữa Iran và Mỹ".
Ông Mousavi đưa ra tuyên bố trên nhằm đáp lại những thông tin được truyền thông Kuwait đăng tải trước đó cho rằng Tehran và Washington đã bắt đầu đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên.
Căng thẳng giữa Tehran và Washington gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với nước này, đặc biệt thời gian gần đây Washington gia tăng sức ép tối đa với Tehran bằng cách chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran.
Căng thẳng leo thang đẩy hai quốc gia này vào nguy cơ đối đầu quân sự khi Mỹ đã điều động thêm quân cùng các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông, tuyên bố động thái này nhằm đối phó với "các mối đe dọa từ Iran".
Tình hình càng thêm nguy hiểm khi Tổng thống Mỹ ngày 24/5 tuyên bố sẽ điều thêm khoảng 1.500 binh sĩ Mỹ tới Trung Đông.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh trong cuộc gặp vào tối 25/5 với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đang thăm nước này.
Theo Văn phòng Thủ tướng Iraq, tại cuộc gặp, Thủ tướng Mahdi cam kết nỗ lực vì "sự ổn định của khu vực và giữ vững thỏa thuận hạt nhân".
Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran tới Iraq, Tổng thống nước chủ nhà Barham Saleh đã thảo luận với ông Zarif về "sự cần thiết ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh hoặc căng thẳng leo thang".
Trong khi đó, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Iran, Ngoại trưởng Iraq Mohammed al-Hakim tuyên bố Iraq phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và đề nghị Baghdad làm trung gian nhằm làm giảm căng thằng hiện nay giữa 2 đồng minh chính của nước này.
Ngoại trưởng Iran Zarif đến thủ đô Baghdad của Iraq chiều 25/5, gặp các quan chức lãnh đạo cấp cao nước chủ nhà nhằm thảo luận các vấn đề về quan hệ song phương và tình hình khu vực.
Theo TTXVN