Trung Quốc không dễ uy hiếp Mỹ bằng trái phiếu kho bạc?

Thứ tư, 05/06/2019, 14:09
Có một câu ngạn ngữ cổ nói rằng nếu bạn nợ ngân hàng 100 USD thì bạn là con nợ, nhưng nếu bạn nợ tới 100 triệu USD thì ngân hàng lại trở thành con nợ của bạn. Nhưng dường như câu nói này không đúng trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Trung Quốc chính là chủ nợ lớn nhất của Mỹ khi đang nắm giữ hơn 1.100 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng số trái phiếu khổng lồ này như một thứ vũ khí để chiến đấu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, rằng Tổng thống Donald Trump nên thận trọng nếu như Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh cho NHTW Trung Quốc PBOC bán tháo trái phiếu Mỹ và đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng tài khóa.

Tuy nhiên, theo tờ Economist, số trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc đang sở hữu giống như một khẩu súng etpigon cũ kỹ có tầm bắn ngắn hơn là một quả tên lửa tân tiến có laser chỉ đường.

Trước tiên hãy nói về mục đích ban đầu của Trung Quốc khi mua trái phiếu Mỹ. Các nhà lãnh đạo nước này vẫn ưa thích 1 đồng nhân dân tệ được định giá thấp hơn so với giá trị thực của nó để tạo thuận lợi cho mô hình kinh tế hướng về xuất khẩu. Đầu những năm 2000, khi kinh tế Trung Quốc ở trong thời kỳ vàng son, tốc độ tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất khẩu vượt trội đã tạo ra áp lực tăng giá lên đồng nhân dân tệ. Để kìm hãm đà tăng, PBOC đã bán ra nhân dân tệ và mua vào USD, mà phần lớn số USD mua vào là trái phiếu kho bạc Mỹ.

Dòng tiền từ Trung Quốc có thể coi như một "ân huệ" dành cho nước Mỹ vốn ở thời điểm đó đang khó khăn vì phải cắt giảm thuế và tiêu tốn quá nhiều cho các cuộc chiến ở nước ngoài. Tuy nhiên về phía Trung Quốc, trái phiếu Mỹ từ một thứ quá bé để bận tâm đã nhanh chóng trở thành thứ quá lớn để có thể làm ngơ. Từ mức chưa đến 100 tỷ USD ở thời điểm năm 2002, lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã đạt đỉnh gần 1.300 tỷ USD vào năm 2013.

Ở thời điểm hiện tại, tỷ giá nhân dân tệ được điều chỉnh theo một rổ gồm nhiều đồng tiền chứ không phải chỉ duy nhất USD như xưa, và Trung Quốc cũng không còn mua vào quá nhiều trái phiếu Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Dẫu vậy, số trái phiếu này không có nhiều giá trị nếu coi chúng là một loại vũ khí kinh tế.

Mục tiêu của một đợt bán tháo sẽ là làm bão hòa thị trường trái phiếu Mỹ. Hiện mỗi năm Mỹ bán ra khoảng 1.000 tỷ USD trái phiếu. Nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục mua vào, tuy nhiên nếu Trung Quốc bán ra một lượng lớn, thị trường khó có thể hấp thụ hết số trái phiếu đó. Để thu hút nhà đầu tư, có thể Chính phủ Mỹ sẽ phải đưa ra mức lợi suất cao hơn. Chi phí đi vay tăng lên sẽ buộc nước này phải lựa chọn giữa một cuộc khủng hoảng tài khóa hoặc các biện pháp thắt lưng buộc bụng (thứ có thể khiến nền kinh tế không thể tăng trưởng).

Tuy nhiên, trái phiếu kho bạc Mỹ không phải là một loại chứng khoán thông thường. Ví dụ, năm 2011, Standard&Poor’s hạ mức xếp hạng tín dụng của trái phiếu Mỹ với lý do nợ tăng và bất ổn chính trị. Đáng ra thông tin này sẽ khiến trái phiếu Mỹ sụt giá mạnh và nhà đầu tư bán tháo, nhưng ngược lại các nhà đầu tư lại đổ xô mua loại tài sản này, khiến lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm ngay lập tức giảm hơn 1 điểm phần trăm.

Nguyên nhân lý giải những diễn biến ngược đời này xuất phát từ vị trí độc nhất vô nhị của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu. Mỹ là nơi phát hành USD – đồng tiền dự trữ số 1 thế giới và là hầm trú ẩn an toàn được nhà đầu tư lựa chọn khi có khủng hoảng. Dù cho kinh tế Mỹ có rơi vào bất ổn và là nơi gieo mầm khủng hoảng thì nhu cầu mua các chứng khoán nợ của Mỹ không hề suy suyển. Trong trường hợp thị trường chao đảo vì Trung Quốc bán ra một lượng lớn trái phiếu Mỹ, nhà đầu tư lại tìm đến tài sản an toàn và do đó hấp thụ hết nguồn cung mới.

Trong một tài liệu được công bố năm 2015, Fed nhận định động thái mua vào 1.500 tỷ USD trái phiếu Mỹ có thể khiến lợi suất giảm từ 40 đến 50 điểm cơ bản. Nếu như Trung Quốc bán ra một khối lượng tương tự và khiến lợi suất tăng một khoảng tương đương, điều đó có thể gây ra chút ít khó chịu nhưng hoàn toàn không phải là thảm họa.

Bên cạnh đó Fed hoàn toàn có thể can thiệp vào thị trường nếu lợi suất tăng đe dọa kinh tế Mỹ. Hiện mỗi tháng Fed bán ra 15 tỷ USD trái phiếu kho bạc, trong lộ trình dỡ bỏ những gói nới lỏng định lượng mà Mỹ đã sử dụng để vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính. Nếu Trung Quốc bắt đầu bán ra thì đơn giản là Fed cũng có thể quay trở lại mua trái phiếu.

Lợi suất chỉ là một phần nhỏ của bức tranh. Như đã đề cập ở trên, mục đích hàng đầu của Trung Quốc khi mua loại tài sản này là để ngăn đồng nhân dân tệ tăng giá quá nhanh. Nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ và đổi sang nhân dân tệ, đồng tiền này sẽ tăng giá mạnh và gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu.

Trung Quốc có một lựa chọn khác là đổi trái phiếu Mỹ sang các tài sản ngoại khác. Tuy nhiên, không có loại trái phiếu chính phủ nào có quy mô và độ an toàn tương đương với trái phiếu Mỹ. Trái phiếu Đức có vẻ phù hợp hơn cả, nhưng nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh Đức có thặng dư ngân sách. Thị trường trái phiếu do chính phủ Pháp, Italy và Nhật Bản phát hành có quy mô lớn hơn nhưng mức độ rủi ro lại cao hơn.

Thời gian gần đây Trung Quốc đã liên tục bán ra trái phiếu Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đó là nỗ lực để nhân dân tệ giảm giá một cách từ từ, thu về USD để mua nhân dân tệ từ các nhà đầu tư đang đặt cược vào đà giảm giá của đồng tiền này – chứ hoàn toàn không phải là khởi đầu của 1 đợt bán tháo để trả đũa Mỹ.

Trong ngắn hạn, vị trí của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu không thể bị tấn công. Hơn nữa nếu muốn thay thế Mỹ, Trung Quốc sẽ buộc phải thực hiện những cải cách bất khả thi (ít nhất là trong ngắn hạn) như mở cửa thị trường hoàn toàn, tăng tính minh bạch của các định chế tài chính và đi theo mô hình nhà nước pháp quyền.

Nhưng không phải là nước Mỹ không có điểm yếu. Nếu như tiếp tục hành xử theo kiểu tôn sùng chủ nghĩa bảo hộ và quay lưng với hệ thống thương mại toàn cầu, Mỹ sẽ không còn được coi là "đầu tàu" của kinh tế thế giới. Vị thế vững chắc của trái phiếu Mỹ và đồng USD sẽ bị lung lay. Trong cuộc chiến thương mại hiện nay, dường như điểm mạnh đang bị nhầm lẫn thành điểm yếu, và ngược lại điểm yếu cũng bị nhầm lẫn thành điểm mạnh.

Theo Trí Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích