Sáng 3.6, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an liên quan tới nhóm nội dung về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, nêu câu hỏi: “Vì sao số lượng tướng lĩnh ngành công an vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự nhiều như vậy? Ai là người chịu trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm những cá nhân này?”
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tướng lĩnh công an vi phạm hình sự đã bị xử lý rồi, cho thấy không có "khoảng đất nào trống" cho các vị tướng công an vi phạm pháp luật đã bị xử lý.
“Còn trách nhiệm ai đề bạt, bổ nhiệm thì Quốc hội chúng ta biết rồi để bổ nhiệm một vị tướng thì phải qua quy trình đúng pháp luật quy định mà Quốc hội đã ban hành”, bà Ngân nói.
"Khi bổ nhiệm, người ta tốt thì bổ nhiệm nhưng sau đó vi phạm pháp luật thì xử lý. Chuyện đó rất bình thường. Tôi nghĩ câu này Bộ trưởng khỏi trả lời. Vi phạm pháp luật thì bất kỳ ai cũng bị xử lý", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề việc hoành hành của các băng nhóm, trong đó có sự bảo kê, bao che của một số cán bộ công an thoái hoá biến chất và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, tội phạm đang không từ thủ đoạn nào để tấn công, vô hiệu hoá lực lượng công an, từ làm quen, dụ dỗ mua chuộc. Khi không mua chuộc được thì tấn công đe doạ, bôi nhọ, vu khống, không chỉ chiến sĩ công an mà còn gia đình, người thân của họ.
"Quá trình đó, có chiến sĩ không chịu được đã mất phẩm chất, có quan hệ, thậm chí làm ngơ cho tội phạm, bảo kê, hợp tác với tội phạm", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ là kiên quyết loại trừ ra khỏi lực lượng chiến sĩ vi phạm, bảo kê tội phạm, nhưng cũng phải bảo vệ cán bộ bị vu khống, xuyên tạc.
Theo Bộ trưởng, vừa qua, các cán bộ công an vi phạm đã bị xử lý nghiêm, "không có vùng cấm”, để khôi phục lòng tin đối với ngành công an.
Theo Thanh Niên