Đông Nam Á hoang mang trước dòng người Trung Quốc đổ về

Thứ hai, 03/06/2019, 10:55
Dòng người di cư từ Trung Quốc đổ về các nước Đông Nam Á đang gây ra phản ứng dữ dội do các biến động về dân số và xã hội mà họ tạo nên.

Khi Michael Xu đến Manila 22 năm trước để theo đuổi giấc mơ Philippines của mình, anh chỉ là một thiếu niên Trung Quốc mới rời trường trung học với rất ít hiểu biết về những gì ở phía trước.

Lần đầu tiên đi từ sân bay đến căn hộ của mình, Xu đã rất ngạc nhiên khi thấy những khu ổ chuột nối tiếp nhau. Chàng trai trẻ nhớ mãi ấn tượng rằng Philippines thậm chí còn lạc hậu và nghèo đói hơn so với Trung Quốc những năm 1980.

Xu, khi đó 17 tuổi, bắt đầu hành trình từ tỉnh Phúc Kiến quê nhà để tới ngày giúp gia đình thành lập một doanh nghiệp nhỏ. Những năm tiếp theo chứng kiến làn sóng công nhân và doanh nhân Trung Quốc đổ về Philippines để tìm kiếm cơ hội. Họ mở các cửa hàng, nhà hàng và trở thành nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp.

Khu phố Hoa của Manila ở quận Binondo. (Ảnh: South China Morning Post).

Theo South China Morning Post, việc cạnh tranh kiếm tiền ở Manila trở nên đặc biệt gay gắt trong những năm gần đây. Nhiều người Philippines công khai phàn nàn về áp lực giá hàng hóa và bất động sản tăng.

Áp lực càng trở nên tồi tệ hơn bởi số lượng lao động nước ngoài được các sòng bạc trực tuyến có trụ sở tại Philippines tuyển dụng để phục vụ nhóm khách hàng lớn nhất của họ - người Trung Quốc.

Dòng tiền và tệ nạn

Người Trung Quốc đã di cư đến Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ, dẫn đến các vấn đề về sắc tộc trong xã hội mà họ chuyển tới. Những vấn đề này đôi khi được giải quyết theo thời gian, đôi khi dẫn đến những cuộc đụng độ dữ dội.

Trong những thập kỷ gần đây, khi Trung Quốc ngày càng giàu hơn và các công ty của họ háo hức với thị trường nước ngoài, làn sóng công nhân và nhà đầu tư mới một lần nữa tìm đến Đông Nam Á.

Nhiều công đoàn ở Indonesia cáo buộc các công ty Trung Quốc từ bỏ những người tìm việc tại địa phương để ủng hộ công dân của họ.

Tại Campuchia, cư dân ở thành phố biển Sihanoukville cho biết điểm đến yên tĩnh truyền thống đã được chuyển đổi thành một khu phố Hoa rộng lớn, với các cửa hàng địa phương được thay thế bởi sòng bạc và nhà hàng Trung Quốc.

Trong các quốc gia này, có lẽ Philippines cảm thấy sự hiện diện nặng nề nhất của công nhân Trung Quốc trong những năm gần đây. Chính phủ đang hoàn thiện các quy tắc mới để kiểm soát những người lao động bất hợp pháp giữa những nghi ngờ về tham nhũng và hiệu quả của các cơ quan công vụ.

Cảnh sát Philippines đứng canh các công dân Trung Quốc bị bắt giữ vì làm việc bất hợp pháp tại một khu khai thác ở thị trấn Masinloc, phía Bắc Manila. (Ảnh: AFP).

Năm 1999, gia đình Xu hoàn thành thủ tục giấy tờ để di cư đến Philippines tìm kiếm cơ hội. Những ngày đầu, họ gặp khó khăn vì rào cản ngôn ngữ và rắc rối pháp luật.

Hiện tại, là chủ sở hữu của một loạt doanh nghiệp cung cấp dịch vụ từ nhập khẩu gạo đến in ấn, Xu tin rằng người nhập cư Trung Quốc phải điều chỉnh và hòa nhập với văn hóa địa phương. Chẳng hạn, người Philippines không thích các ông chủ Trung Quốc phạt nhân viên trước mặt các nhân viên khác.

Doanh nhân Tony Gan biết rõ khu phố Hoa như lòng bàn tay sau 36 năm sinh sống ở đây. Ông tin rằng nhiều thành phần của cộng đồng người Hoa ở Manila đã thay đổi theo hướng tồi tệ hơn trong thời gian gần đây.

Côn đồ và những kẻ cho vay nặng lãi đã thâm nhập vào các doanh nghiệp địa phương, cho các con bạc vay tiền mặt với lãi suất cao ngất trời, làm dấy lên những tệ nạn xã hội.

Sự kháng cự trước dòng người di cư mới

Học giả Leo Suryadinata từ Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết những người di cư Trung Quốc đầu tiên đến Đông Nam Á thường nghèo và ít học.

"Nhiều quốc gia Đông Nam Á là quốc gia bản địa và ít cởi mở với người di cư, đặc biệt là người di cư Trung Quốc. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, không thể ngăn chặn di cư", ông nói.

Sự kháng cự đó vẫn còn nhưng hiện nhắm vào một loại người di cư mới - nhóm người có nền văn hóa khác tới từ một Trung Quốc đang thay đổi.

Một người đàn ông Indonesia gốc Hoa dâng hương khi cầu nguyện tại ngôi chùa Phật giáo 300 tuổi Vihara Dharma Bhakti ở khu phố Hoa của Jakarta. (Ảnh: AFP).

"Một số người dân địa phương, thường bao gồm cả người Đông Nam Á, cảm thấy khá bực bội đối với những người di cư mới. Rõ ràng, điều này không chỉ do sự cạnh tranh kinh tế mà còn do nền văn hóa khác nhau mà họ mang lại", ông Suryadinata nói.

Bộ Lao động Philippines cho biết khoảng 12.000 công dân nước ngoài đang làm việc mà không có giấy phép cần thiết cho các nhà điều hành trò chơi Philippines, chuyên phục vụ các con bạc ở nước ngoài.

Người ta tin rằng nhiều nhân viên không chính thức này là người Trung Quốc vì những người đánh bạc thường là đồng hương của họ. Cá cược là bất hợp pháp ở Trung Quốc đại lục, ngoại trừ xổ số nhà nước.

Theo nghị sĩ Tom Villarin, những người thực thi pháp luật và chính quyền địa phương đôi khi "còn trải thảm đỏ cho các công ty thuê nhân công nước ngoài".

"Những người Philippines khó chịu và thậm chí tức giận vì người nước ngoài đã lấy công việc của họ, xâm chiếm không gian công cộng và thậm chí cả các dịch vụ xã hội nên được trao cho họ", ông nói.

Sự thịnh vượng và nỗi đau

Đại sứ Trung Quốc tại Manila Zhao Jianhua nói rằng người Philippines đôi khi thể hiện thái độ phân biệt chủng tộc đối với lao động Trung Quốc.

Đáp lại, ông Luis Corral, Phó chủ tịch của Liên đoàn Lao động - Liên Hiệp Công đoàn Philippines, nói rằng vấn đề không phải là phân biệt chủng tộc mà là đảm bảo quyền lợi của người Philippines.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở nước này cao, điều đó có nghĩa lao động nước ngoài là không cần thiết trong một số ngành như xây dựng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhắm tới lợi nhuận lại có quan điểm khác.

"Cá nhân tôi thấy thật đáng tiếc khi tâm trạng xung quanh sự xuất hiện của những người lao động nhập cư Trung Quốc này lại thiên về sợ hãi hơn là cơ hội",Lester Yupingkun, Giám đốc điều hành Strongbond Products Philippines, nói.

"Thật là mỉa mai vì công nhân nhập cư Philippines đã trở thành trụ cột của nền kinh tế của chúng ta. Tại sao lại từ chối cho người Trung Quốc cùng một đặc ân được cung cấp cho đồng bào của chúng ta ở nước ngoài?", ông nói.

Nhóm người Indonesia đốt xe hơi và sản phẩm của các doanh nghiệp Trung Quốc khi cướp bóc các cửa hàng ở Jakarta trong cuộc bạo loạn năm 1998. (Ảnh: AFP).

Tiến sĩ Parag Khanna, tác giả cuốn sách The Future is Asian (Tương lai là người châu Á), cho biết dòng người hai chiều giữa Trung Quốc và Đông Nam Á mang lại lợi ích cho cả hai bên.

"Có rất nhiều thế kỷ quan hệ buôn bán giữa các thương nhân trên Biển Đông và ngày nay, phần lớn các nước ASEAN coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ", ông nói.

Tại Campuchia, chính phủ đã mở một cuộc điều tra về tình trạng việc làm của những người di cư Trung Quốc đang điều hành các doanh nghiệp ở Sihanoukville.

Theo số liệu chính thức, trong số 210.000 người quốc tịch Trung Quốc sống ở nước này, 78.000 người sống trong thành phố nhưng chỉ có 20.000 người có giấy phép lao động.

Tháng trước, cảnh sát Campuchia tiết lộ người Trung Quốc là tội phạm nước ngoài hàng đầu trong quý đầu tiên của năm 2019. Trong số 341 người nước ngoài bị bắt, 241 người đến từ Trung Quốc.

Trung Hoa vừa là nguồn gốc của sự thịnh vượng vừa là nỗi đau cho các nước láng giềng Đông Nam Á, với lịch sử di cư kéo dài hàng thế kỷ. Khi nhiều nước trong khu vực coi Trung Quốc là động lực kinh tế trong "thế kỷ châu Á", có vẻ như dòng người di cư Trung Quốc sẽ còn kéo dài.

Theo Zing

Các tin cũ hơn