|
18 lãnh đạo chủ chốt “dính” sai phạm
Ngày 31.5, theo nguồn tin của PV, Sở Nội vụ TP.HCM đã có báo cáo cho UBND TP.HCM về kết quả tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có thiếu sót, sai phạm liên quan theo kết luận của Thanh tra TP.HCM tại SAGRI.
Theo báo cáo, có 18 cá nhân là lãnh đạo chủ chốt của SAGRI (HĐTV, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát...) có liên quan các thiếu sót, sai phạm tại SAGRI tham gia kiểm điểm. Trong đó, chỉ có 3 cá nhân còn thời hiệu xử lý kỷ luật, gồm ông Vân Trọng Dũng, chủ tịch HĐTV; ông Lê Tấn Hùng, thành viên không chuyên trách HĐTV, tổng giám đốc (nguyên chủ tịch HĐTV từ tháng 5.2014 - 8.2015) và bà Nguyễn Thị Thanh An, kiểm soát viên chuyên trách.
Theo đó, với vai trò là chủ tịch HĐTV, người đứng đầu HĐTV, ông Vân Trọng Dũng có những thiếu sót, sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành HĐTV cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh của SAGRI... nên hình thức kỷ luật tổng hợp là “hạ bậc lương”. Bà Nguyễn Thị Thanh An áp dụng kỷ luật “khiển trách” do chưa phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong quản lý điều hành của HĐTV, tổng giám đốc để báo cáo và kiến nghị cho các cơ quan quản lý…
Với vai trò, trách nhiệm là thành viên của HĐTV trong việc xem xét các chủ trương về đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của SAGRI và vai trò của tổng giám đốc, người trực tiếp quản lý, điều hành các hoạt động của SAGRI, ông Lê Tấn Hùng có sai sót trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các bộ phận chuyên môn xây dựng kịp thời các quy chế nội bộ; thiếu sót, sai phạm trong đầu tư dự án, trong việc khai thác sử dụng đất và các mặt bằng nhà đất được giao, trong quản lý, sử dụng tài chính và các khoản vay.
Đối chiếu quy định, ông Lê Tấn Hùng có 10 nội dung phê bình, rút kinh nghiệm, 4 nội dung áp dụng hình thức kỷ luật “khiển trách”, 4 nội dung áp dụng hình thức kỷ luật “cảnh cáo”... Do đó hình thức kỷ luật tổng hợp đối với ông Lê Tấn Hùng là “hạ bậc lương”. Sở Nội vụ đề xuất UBND TP.HCM thành lập hội đồng kỷ luật để tư vấn việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với 3 trường hợp trên (như Thanh Niên đã thông tin, trước đó, đầu tháng 3.2018, trước hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại SAGRI, UBND TP có quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Lê Tấn Hùng, sau đó nâng lên cảnh cáo - PV).
Các sai phạm nghiêm trọng tại SAGRI cũng “dính” đến 12 cá nhân là lãnh đạo HĐQT, Ban tổng giám đốc SARGI giai đoạn 2004 - 2016, nay đã nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác. Theo Sở Nội vụ, 12 cá nhân này có thiếu sót, sai phạm đến mức phải khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, tuy nhiên do hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên Sở kiến nghị UBND TP chuyển Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xem xét trách nhiệm theo quy định của Đảng.
Sở Nội vụ cho rằng quá trình kiểm điểm những thiếu sót, sai phạm đối với tập thể, cá nhân có liên quan tại SAGRI thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Tuy nhiên, có 2 người là ông Hồ Văn Ngon, nguyên phó tổng giám đốc, nguyên thành viên không chuyên trách HĐTV và ông Phan Văn Triều, nguyên thành viên HĐQT (giai đoạn 2006 - 2010), đã được gửi thư mời 3 lần nhưng không đến dự họp kiểm điểm. Trong 18 cá nhân liên quan sai phạm, vẫn còn một số nguyên lãnh đạo SAGRI chưa thể hiện trách nhiệm, thiếu thành khẩn, sự cầu thị trong việc nhìn nhận các thiếu sót, sai phạm khi còn giữ chức, không có sự hợp tác, xem thường tổ chức…
Có nương tay trước quá nhiều sai phạm ?
SAGRI là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước, thuộc UBND TP.HCM, hoạt động theo mô hình công ty “mẹ - con”. Năm 2010, SAGRI chuyển thành công ty TNHH MTV, gồm 6 đơn vị trực thuộc, 9 công ty con, 14 công ty liên kết và 1 công ty liên doanh. Những năm gần đây, doanh thu toàn hệ thống SAGRI hơn 3.000 tỉ đồng/năm.
Theo kết luận thanh tra và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tại SAGRI xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng sai 1.900 ha đất thông qua việc góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên các khu đất được giao quản lý không đúng quy định pháp luật; chuyển nhượng đất dự án “giá bèo” (điển hình là phi vụ chuyển nhượng dự án phát triển nhà ở tại KP.4, P.Phước Long B, Q.9; chuyển nhượng hơn 3,6 ha đất tại xã Cửa Cạn, H.Phú Quốc, Kiên Giang). SAGRI còn “qua mặt” UBND TP.HCM để gây ra các sai phạm nghiêm trọng khác tại hàng loạt dự án đầu tư sử dụng đất công sản, điển hình là tại dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò ở xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) diện tích hơn 89 ha, tổng mức đầu tư 693 tỉ đồng…
Nghiêm trọng nhất trong các sai phạm về tài chính xảy ra tại SAGRI là việc ký khống hợp đồng, chi khống hàng chục tỉ đồng tiền tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Theo kết luận thanh tra, từ ngày 3.10 - 1.11.2016, ông Lê Tấn Hùng đã ký 10 hợp đồng tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài với tổng giá trị hơn 13 tỉ đồng. 10 hợp đồng này đã được 2 công ty du lịch tổ chức thực hiện và các bên đã thanh lý hợp đồng, xuất hóa đơn tài chính và tất toán công nợ.
Kết quả xác minh tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM), phát hiện 40/70 người lao động có tên trong danh sách đi nước ngoài không tham gia các chuyến đi nước ngoài do SAGRI tổ chức...
Thanh tra TP.HCM xác định, SAGRI có dấu hiệu câu kết với 2 công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ để hợp thức hóa vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định pháp luật - vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán, trách nhiệm thuộc về tổng giám đốc, kế toán trưởng SAGRI.
Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại SAGRI như vậy, nhưng vì sao không khởi tố điều tra? Về vấn đề này, chiều 31.5, PV đã liên lạc với ông Lâm Hùng Tấn, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, người ký báo cáo kết quả tổ chức kiểm điểm nói trên, để làm rõ một số vấn đề liên quan, nhất là hình thức xử lý mà Sở Nội vụ đưa ra. Tuy nhiên, ông Hùng cho hay hiện Sở Nội vụ vẫn đang làm nên chưa thể trả lời hay cung cấp thông tin cho báo chí được; chừng nào có kết quả cuối cùng sẽ cung cấp, thông báo.
Đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sựLuật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước) cho rằng với mức độ sai phạm nghiêm trọng như vậy đã đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ. Căn cứ điều 219 bộ luật Hình sự, những cá nhân sai phạm có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. “Nếu chỉ bị xử lý về mặt hành chính, thì thiệt hại từ các sai phạm nghiêm trọng đó ai sẽ chịu trách nhiệm?”, ông Nam đặt vấn đề.
Đề cập đến sai phạm tại SAGRI, ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ), nói thẳng: “Với tính chất, mức độ sai phạm như vậy mà áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách, hạ bậc lương thì đúng là... không giống ai, khiến dư luận nghi vấn bị chìm xuồng”.
|
Theo Thanh Niên