Sáng 31/5, ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La, có cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về bê bối gian lận thi cử tại địa phương này.
Ông Quỳnh cho biết hiện tỉnh đã giao Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, cơ quan an ninh điều tra xác định rõ xem trách nhiệm đến đâu, tinh thần “dứt khoát phải xử lý”.
Thưa ông, các phụ huynh liên quan đến việc nâng điểm là cán bộ, đảng viên đã có bản tường trình gửi Tỉnh ủy Sơn La. Các bản tường trình ấy có nội dung thế nào?
Đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó bí thư Sơn La, trao đổi với báo chí về bê bối gian lận thi cử tại địa phương. |
Tôi chưa nghe báo cáo. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ vẫn đang làm và sẽ làm việc với chi bộ có những đảng viên này, kêu gọi nhận sai. Cái này cần quá trình.
Là lãnh đạo tỉnh, ông nghĩ sao khi hầu hết trường hợp được nâng điểm đều là con của quan chức, cán bộ tỉnh?
Ở đây chỉ có sự thật thôi, không có vùng cấm. Sẽ chỉ có xử lý nghiêm minh, trên cơ sở căn cứ kết quả điều tra. Điều tra đến đâu xử lý đến đó.
Ở đây chỉ có sự thật thôi, không có vùng cấm. Sẽ chỉ có xử lý nghiêm minh, trên cơ sở căn cứ kết quả điều tra. |
Quan điểm của Thường vụ Tỉnh ủy rất quyết liệt. Một tuần chúng tôi yêu cầu tổ chức, kiểm tra, công an phải báo cáo một lần.
Ông nghĩ sao khi nhiều cán bộ liên quan biện minh rằng họ chỉ nhờ xem điểm chứ không hối lộ để nâng điểm?
Tôi không bình luận về vấn đề này, vì nói gì là quyền của họ. Quan trọng là chúng ta phải tìm ra chứng cứ, sự thật.
Dư luận tranh cãi nhiều về việc có nên công khai danh tính những người liên quan. Quan điểm của ông thế nào?
Nên công khai, nhưng phải có cách để công khai.
Thông tin giá nâng điểm trung bình cho mỗi trường hợp là 1 tỷ đồng vừa qua khiến dư luận xôn xao. Là lãnh đạo tỉnh, ông nghĩ gì?
Tôi cũng chỉ nghe đồng chí Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh nói rằng thông tin này mới là một phía, chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, chúng tôi đã yêu cầu phải làm rõ bằng được.
Nếu chứng minh không có việc này, nhưng có chuyện lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm lợi, trục lợi cũng phải xử lý, dù không có tiền. Nếu dùng tiền để tác động nâng điểm thì dứt khoát phải xử lý theo tội nhận hối lộ.
Vừa qua, dư luận tiếp tục phản ứng với việc Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thủy được giao đảm nhiệm vai trò Trưởng ban chỉ đạo thi giống như năm 2018, trong khi những bê bối gian lận thi cử ở Sơn La trong kỳ thi năm ngoái chưa có hồi kết. Tỉnh giải quyết vấn đề này thế nào?
Chúng tôi đã cho thay rồi. Lúc đấy anh em giải thích rằng ông Thủy đã làm quen việc, còn sai phạm cũng chưa rõ ràng. Nhưng khi có phản ứng của dư luận, tỉnh đã chỉ đạo thay người.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã có tờ trình UBND tỉnh xem xét, ban hành quyết định thay thế Trưởng ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2019 nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Ông Lê Hồng Minh, Phó chủ tịch tỉnh, được đề xuất thay ông Phạm Văn Thủy.
Phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, có đại biểu Quốc hội thẳng thắn cho rằng gian lận thi cử chính là ăn cướp. Ông suy nghĩ thế nào về quan điểm này?
Lấy cơ hội của người khác để cho con em mình là không nên tý nào. Không nói chuyện tiền nong hay không, chỉ riêng việc làm đó là không đúng, không đáng làm thầy giáo rồi.
Tôi chia sẻ với ý kiến của đại biểu Quốc hội, gian lận như vậy là cướp cơ hội của người khác.
Đây là chúng tôi đang cứu vớt các đồng chí, các đồng chí hãy tự giác, hãy tự nhận đi. Sau này sẽ là tình tiết giảm nhẹ. |
Ông có thấy áp lực khi câu chuyện nâng điểm ở Sơn La nổi lên ở khắp nơi?
Áp lực chứ. Tôi nhìn thấy trách nhiệm của người lãnh đạo, trách nhiệm của chính mình trong việc chỉ đạo để làm quyết liệt vụ việc.
Dù không trực tiếp, không liên quan đến việc làm của họ, nhưng đây cũng là những đảng viên của mình. Thực sự mất mát quá lớn. Tôi thấy rất buồn.
Chúng tôi sẽ xử lý đến cùng, để minh bạch, làm trong sạch đội ngũ của mình. Đây là chúng tôi đang cứu vớt các đồng chí, các đồng chí hãy tự giác, hãy tự nhận đi. Sau này sẽ là tình tiết giảm nhẹ cho các đồng chí, còn nếu ai không nhận, sau này tìm ra chứng cứ, thì đây sẽ là tình tiết tăng nặng.
Theo Zing