Trung Quốc muốn "chiếm diễn đàn" tại Đối thoại Shangri-La

Thứ sáu, 31/05/2019, 09:42
Giáo sư Alexander Vuving nhận định Đối thoại Shangri-La năm nay với sự góp mặt của lãnh đạo Bộ Quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc sẽ đi vào lịch sử như một cột mốc trong cuộc leo thang cạnh tranh chiến lược giữa hai nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ dẫn đầu phái đoàn tới dự Đối thoại Shangri-La 2019 ở Singapore

Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh quốc phòng quan trong của khu vực năm nay diễn ra từ ngày 31.5 đến 2.6 tại Singapore. Nhân dịp này, Thanh Niên có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu, Mỹ).
Giáo sư đánh giá thế nào về việc lần đầu tiên sau 8 năm, Trung Quốc mới cử Bộ trưởng Quốc phòng dự sự kiện và phát biểu. Liệu Trung Quốc muốn gửi thông điệp gì?
Hội nghị Shangri-La lần này diễn ra khi cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đã mở màn và dâng lên thành cao trào, Trung Quốc đang bị Mỹ dồn vào thế bị động trong một số vấn đề như thương mại, Đài Loan. Do đó, động thái Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng tới Shangri-La là để tạo thế tấn công đối với Mỹ ở ngay tại diễn đàn vốn được coi là sân chơi của Mỹ.
Một yếu tố có thể tác động đến việc Trung Quốc nâng cấp lãnh đạo tham dự Đối thoại Shangri-La là Singapore, khi cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung leo thang, đã tỏ rõ thái độ chống lại cuộc cạnh tranh chiến lược này. Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La kêu gọi Mỹ và Trung Quốc giảng hòa. Điều này có lợi cho Trung Quốc vì Trung Quốc rất muốn các đồng minh và đối tác của Mỹ vận động Mỹ chuyển trọng tâm từ đấu tranh sang hợp tác với Trung Quốc.
Nếu như vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục âm thầm cạnh tranh với Mỹ (về phát triển kinh tế, công nghệ, quân sự) và làm xói mòn vị thế của Mỹ của Mỹ trong khu vực (về Biển Đông, Vành đai, Con đường). Singapore cũng đang không theo các nỗ lực của một số nước trong đó có Việt Nam về “giữ lửa” vấn đề Biển Đông mà muốn làm hòa với Trung Quốc, chấp nhận “hiện thực mới” hay còn gọi là “điều bình thường mới” do Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông.
Tóm lại, trước đây điều kiện chưa thuận lợi nên Trung Quốc chỉ cử cấp thấp dự Đối thoại Shangri-La nhưng nay có thời cơ thì họ cử cấp cao đi để “chiếm diễn đàn” và phát huy ảnh hưởng.
Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, đặc biệt về vấn đề thương mai. Giáo sư đánh giá thế nào về điều này và liệu có triển vọng nào cho cơ hội thu hẹp bất đồng hay chỉ là diễn đàn để hai bên tiếp tục đấu khẩu?
Vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ bao gồm câu chuyện Mỹ nhập siêu, Trung Quốc xuất siêu mà gốc rễ của nó là sân chơi không công bằng mà Trung Quốc đã tạo ra và giữ vững từ bấy lâu nay. Sân chơi không công bằng này là một trong những lợi thế lớn lao của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ, một cuộc chiến mà Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ và đã âm thầm thực hiện từ nhiều thập niên qua. Trung Quốc cũng ý thức được rằng nếu họ chấp nhận yêu cầu của Mỹ thì họ sẽ không còn lợi thế cạnh tranh.
Bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng không chỉ đơn thuần do việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo hay quân sự hóa Biển Đông. Sâu hơn, nó là sự cạnh tranh giữa một cường quốc muốn giữ vị thế và vai trò sắp đặt trật tự khu vực cũng như thế giới và một cường quốc muốn hất cẳng cường quốc kia đi để giành vị thế và vai trò đó cho mình. Do đó, Đối thoại Shangri-La lần này tiếp tục là một diễn đàn không chỉ để hai bên đấu khẩu mà còn để họ tìm cách tập hợp lực lượng với các nước trong khu vực.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ công bố Chiến lược Quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ tại Đối thoại Shangri-La. Điều này cùng với sự góp mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sẽ làm cho Đối thoại Shangri-La năm nay đi vào lịch sử như một cột mốc trong cuộc leo thang cạnh tranh chiến lược giữa hai nước.
Theo giáo sư, vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập như thế nào trong Đối thoại Shangri-La năm nay?
Sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về Biển Đông được nêu ra. Tựu chung có thể có hai quan điểm lớn. Một là Biển Đông đã trở nên ổn định hơn trước đây, các nước cần tránh bất đồng, tăng hợp tác để tiến tới ký Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC). Đây là quan điểm được Trung Quốc và một số nước ASEAN ủng hộ.
Một quan điểm khác không chấp nhận “hiện trạng mới” ở Biển Đông, không coi đó là điều bình thường, đòi hỏi phải có những nỗ lực nhằm cân bằng lại thế áp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ và một số nước ủng hộ và họ sẽ nếu quan điểm các cuộc tuần tra tự do hàng hải là cần thiết
Cảm ơn giáo sư!
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn