|
Hầu hết chiến đấu cơ Mỹ có các chi tiết chế tạo từ đất hiếm |
Kim loại đất hiếm được sử dụng trong nhiều sản phẩm quốc phòng. Ví dụ, mỗi tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia sử dụng 4,1 tấn kim loại đất hiếm, trong khi đó tàu khu trục lớp Arleigh Burke sử dụng 2,3 tấn. Trong khi đó, Mỹ có 66 tàu loại này đang hoạt động và 14 tàu đang đóng hoặc đã lên kế hoạch đặt đóng.
Một ví dụ khác: mỗi chiếc tiêm kích tàng hình tối tân F-35 Joint Strike Fighter cần gần 450kg kim loại đất hiếm. Đã có 380 chiếc F-35 được sản xuất và chỉ riêng Mỹ sẽ cần tới 2.663 chiếc. Nhật Bản cũng vừa đặt mua thêm 105 chiếc F-35.
Tuy nhu cầu đất hiếm của ngành công nghiệp vũ khí Mỹ chỉ chiếm 5% nhu cầu của nước Mỹ, nhưng tỷ lệ đất hiếm có mặt trong các sản phẩm là rất cao. Ví dụ, người ta dùng kim loại đất hiếm để chế tạo thiết bị truyền động cho cánh tên lửa, mô tơ ổ đĩa lắp đặt trên máy bay, xe tăng, hệ thống tên lửa và trung tâm điều khiển, thiết bị laser phát hiện mìn, radar và thiết bị định vị thủy âm trên tàu ngầm, tàu mặt nước, các thiết bị quang học…
Theo Liên minh Công nghệ đất hiếm: Hệ thống điện trên máy bay sử dụng nam châm vĩnh cửu samarium-cobalt (một loại kim loại đất hiếm) để sản sinh dòng điện. Các loại nam châm này rất quan trọng đối với nhiều hệ thống vũ khí quân sự khác. Hơn nữa, máy bay sử dụng thiết bị truyền động nam châm đất hiếm để điều khiển các bề mặt trong quá trình vận hành. Các bề mặt phủ gốm chịu nhiệt được ứng dụng trên động cơ máy bay nhằm bảo vệ các chi tiết máy bằng hợp kim. Lớp phủ gốm duy trì được tính chịu nhiệt nhờ vào yttrium oxide – một loại đất hiếm quan trọng giúp ngăn chất chịu lửa zirconia biến đổi hình dạng ban đầu.
Còn Terfonal-D là một loại hợp kim đất hiếm làm bằng terbium, sắt và dysprosium, được sử dụng chế tạo thiết bị định vụ thủy âm trên tàu chiến mặt nước, tàu ngầm. Trực thăng tàng hình sử dụng Terfonol-D để giảm tiếng ồn của các cánh quạt.
Trung Quốc sản xuất hơn 95% sản lượng đất hiếm của thế giới và Mỹ phụ thuộc Trung Quốc 80% nhu cầu về loại nguyên liệu này. Thực tế này mang lại cho Bắc Kinh một công cụ mặc cả cực lớn trong cuộc chiến với Mỹ để giành lấy vị thế bá chủ tương lai của công nghệ thế giới.
|
Vận chuyển đất hiếm ở Liên Vân Cảng, Giang Tô, Trung Quốc |
Chính vì thế, mới đây Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi tới Nhà Trắng một báo cáo, đồng thời cũng thông báo tới quốc hội về kế hoạch tìm kiếm nguồn ngân sách liên bang nhằm củng cố việc khai thác và sản xuất đất hiếm, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, theo Reuters.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc phụ thuộc Trung Quốc về nguồn đất hiếm. Năm 2018, cơ quan này đã phát hành báo cáo nói về sự dễ bị tổn thương của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, liên quan đến đất hiếm.
Tổ chức nghiên cứu địa chất Geological Survey của Mỹ năm ngoái ước tính rằng trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới là 120 triệu tấn trong đó Trung Quốc 44 triệu tấn, 22 triệu tấn ở Brazil và 18 triệu tấn ở Nga. Tại Việt Nam, trữ lượng đất hiếm khoảng 20 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc, theo một tài liệu được dẫn trên báo chí.
Theo Tiền Phong