Việt Nam chỉ là một “ứng cử viên” trước làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc

Thứ hai, 03/06/2019, 09:48
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành cho hay, đối với các quốc gia có công nghệ phát triển như Nhật hay Mỹ, khi muốn tìm một nơi để đầu tư dài hạn thì họ cân nhắc rất kỹ giữa Việt Nam với Ấn Độ hay Indonesia...

PGS, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm tháng đầu năm 2019, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng bốn năm trở lại đây.
Tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết hiện đã có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,62 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,09 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư.
PV đã có cuộc trao đổi với PGS, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về vấn đền này.

Ông nhìn nhận như thế nào về đầu tư FDI tăng cao kỷ lục trong thời gian gần đây? Lý do của sự dịch chuyển dòng vốn FDI là gì?

Việc FDI tăng cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây tác động trực tiếp của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong đó, làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc và hướng đến các nước khác, trong đó có Việt Nam là một hiện tượng hiện hữu. Rõ ràng Việt Nam đang tiếp nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ về và đặc biệt, chúng ta cũng nhìn thấy có sự phân luồng về đầu tư.
Đối với các quốc gia có công nghệ phát triển như Nhật hay Mỹ, khi muốn tìm một nơi để đầu tư dài hạn thì họ cân nhắc rất kỹ giữa Việt Nam với Ấn Độ hay Indonesia, phụ thuộc vào môi trường thể chế cũng như tiềm năng của lực lượng lao động.
Đối với nhóm nước này, họ không hoàn toàn cho rằng Việt Nam là điểm đến số 1 và họ lựa chọn các nước như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan,… nơi có cơ sở hạ tầng tương đối là tốt từ trong quá khứ cũng như có tiềm năng về ngôn ngữ tiếng Anh hoặc sở hữu lực lượng lao động khổng lồ như Ấn Độ. So với các quốc gia này thì Việt Nam cũng chỉ là một ứng cử viên.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Trung Quốc, họ lại thấy Việt Nam có sự gần gũi về văn hoá, chính trị và đặc biệt là địa lý. Do đó, đang có khuynh hướng đầu tư Trung Quốc đổ dồn về Việt Nam. Điều này phản ánh bằng việc tỷ trọng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng  trong thời gian gần đây.
Tôi nghĩ đây là hiện tượng tất yếu vì các nhà đầu tư quyết định theo ý chí chủ quan và theo tính toán riêng của họ.
Điều này sẽ mang lại cơ hội gì cho Việt Nam và chúng ta phải chú ý điều gì?
Tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến cả thế giới đang xáo động, Việt Nam được lợi nhiều nhất là về đầu tư, cái lợi về đầu tư này sẽ có ảnh hưởng trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, cũng có thể tác động tiêu cực khi chúng ta tiếp nhận các khoản đầu tư ảnh hưởng đến môi trường, xã hội,…
Đối với Việt Nam, tôi cho rằng việc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài “tính toán” mình không thể kiểm soát được nhưng mình có thể lựa chọn nhà đầu tư có chất lượng cao hay cam kết đầu tư lâu dài, công nghệ tiên tiến, có trách nghiệm với xã hội, môi trường.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải tự hoàn thiện bản thân thông qua hệ thống pháp luật, hệ thống thực thi pháp luật. Đồng thời, không để xảy ra tình trạng bị “mua chuộc” hay dễ dãi trong các điều kiện về môi trường sản xuất, kinh doanh và bảo vệ người lao động,…
Như vậy, những nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với những điều kiện trên sẽ đến nhiều hơn còn những nhà đầu tư cảm thấy không phù hợp sẽ rời đi.
Câu chuyện là ở phía chúng ta.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã có những tác động trực tiếp đến Việt Nam
Về lĩnh vực thương mại, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động như thế nào đến thương mại Việt Nam?
Theo tôi quan sát, ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là pha trộn. Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt bởi lẽ hàng hoá của Trung Quốc bị chặn vào Mỹ thì hàng hoá của Việt Nam có lợi thế hơn khi người Mỹ chuyển sang lựa chọn hàng hoá Việt Nam nhiều hơn do lợi thế về giá so với hàng hoá bị áp thuế của Trung Quốc.
Nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bị giảm xuống. Trung Quốc cũng e ngại trong thương mại, họ phải bảo vệ doanh nghiệp của họ trước sự sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, Trung Quốc có thể ngăn chặn hàng hoá vào Trung Quốc nói chung trong đó có Việt Nam.
Theo tôi thấy, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm mạnh bắt đầu từ Quý IV/2018 cho đến nay. Đặc biệt là giảm về số lượng, quy mô so với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng lên tại thị trường Mỹ.
Do đó, có những lúc chúng ta sẽ thấy xuất khẩu giảm tuyệt đối, trừ khi xuất khẩu sang Mỹ tăng vượt phần giảm từ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vì vậy, hiệu ứng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với thương mại của Việt Nam là pha trộn, chưa rõ ràng, không giống như tác động về đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Theo BizLive

Các tin cũ hơn