Mỹ dọa đánh thuế Mexico, nhưng hàng Trung Quốc "trúng đòn"

Thứ tư, 05/06/2019, 10:04
Chiến tranh thương mại khiến các nhà máy chuyển từ TQ sang Mexico tránh thuế. Tuy nhiên, việc Mỹ dọa đánh thuế Mexico vì vấn đề nhập cư có thể chặn "đường vòng" đó của TQ.

Nhiều sản phẩm làm từ Trung Quốc, từ mỹ phẩm đến máy ảnh số, đang dần chuyển sang Mexico sau hàng loạt lệnh tăng thuế của Mỹ lên hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Mỹ tăng thuế đối với Mexico, các công ty sẽ hết cách sản xuất hàng hóa với giá phải chăng, theo Wall Street Journal.

Tuần trước, Tổng thống Trump đe dọa đánh thuế Mexico trừ khi nước này chặn dòng người di cư qua biên giới với Mỹ.

Nhà máy chuyển từ Trung Quốc sang Mexico

Cosmetic Colors, nhà sản xuất bút kẻ mắt và đồ trang điểm của Mexico, gần đây nhận được đơn hàng trị giá 7 triệu euro (7,8 triệu USD) từ một công ty mỹ phẩm lớn của châu Âu, đặt mua các mặt hàng trước đây làm ở Trung Quốc với mức thuế 25%.

“Nếu chịu thuế 5%, tôi có thể chịu phần chi phí”, chủ tịch công ty Tomás Espinosa nói với Wall Street Journal. Thế nhưng, nếu thuế lên 25%, ông nói chi phí sẽ bị san sẻ dọc chuỗi cung ứng, bao gồm nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng, dẫn đến người tiêu dùng Mỹ trả giá cao hơn.

Nhà máy của công ty ở thành phố Toluca, Mexico xuất khẩu 85% hàng sang Mỹ phục vụ các thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu thế giới.

“Không có nước thứ ba ngoài Mexico hay Trung Quốc”, ông Espinosa nói. “Sản phẩm tương tự sản xuất tại châu Âu có thể đắt hơn 40%”.

Cho đến nay, Mexico vẫn được cho là hưởng lợi từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.

Công nhân đang kiểm tra son môi ở nhà máy của Cosmetic Colors ở Mexico vào tháng năm. (Ảnh: Wall Street Journal).

Các công ty như Hisense của Trung Quốc, nhà sản xuất tivi hàng đầu thế giới, đang đưa nhiều nhà cung cấp đến Mexico, đặt mục tiêu chuyển sản xuất toàn bộ tivi màn hình phẳng xuất đi Mỹ sang một cơ sở hiện đại gần biên giới Mỹ - Mexico và nhìn ra Thái Bình Dương, là nhà máy lớn nhất của họ bên ngoài Trung Quốc.

GoPro muốn toàn bộ máy ảnh xuất đi Mỹ được sản xuất tại thành phố Guadalajara phía tây Mexico, trong nửa cuối năm nay, nhằm tránh thuế.

Đối với Mỹ, đây là xu hướng là tích cực vì trung bình hàng từ Mexico chứa khoảng 35% hoặc hơn linh kiện của Mỹ, trong khi hàng Trung Quốc chứa ít hơn rất nhiều, khoảng 4%.

Mây đen cuối chân trời cho Mexico

Giờ đây, đám mây đen đầy bất trắc đang quay lại Mexico, quốc gia láng giềng đã cố duy trì quan hệ tốt với Mỹ bằng cách đồng ý đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau khi ông Trump lên nắm quyền.

Lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Mexico đã thay thế Trung Quốc và Canada, trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ tính theo tổng xuất nhập khẩu trong quý.

Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, lượng hàng nhập khẩu từ Mexico trong quý tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu hàng Trung Quốc giảm gần 15%.

Xe tải chở hàng đi Mỹ đang xếp hàng ở cửa khẩu Otay, thành phố Tijuana, Mexico ngày 30/5. (Ảnh: Getty Images).

Một phần lý do là việc Mỹ tăng thuế với Trung Quốc. Tháng 9/2018, Mỹ áp thuế 10% đối với khối hàng 200 tỷ USD của Trung Quốc. Tháng năm vừa qua, Mỹ tăng mức thuế đó lên 25%, đánh vào các sản phẩm như bảng mạch và bộ vi xử lý, sau vòng đàm phán thương mại bế tắc.

Ông Trump đang đe dọa áp thuế 25% đối với khối hàng hóa trị giá 325 tỷ USD của Trung Quốc chưa bị đánh thuế, tức hầu như toàn bộ hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ.

Cũng giống công ty chế tạo máy ảnh GoPro, nhà sản xuất cảm biến bảo mật Universal Electronics Inc. cho biết đang chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Mexico để tránh thuế.

Tuy vậy, theo các giám đốc và luật sư thuơng mại, có một lý do khác, ít được biết đến hơn, cho việc chuyển sản xuất sang Mexico: Chính quyền Trump ngày càng giám sát chặt chẽ tỷ lệ linh kiện Trung Quốc trong hàng Mexico, trong nỗ lực ngăn chặn những hàng hóa về bản chất là Trung Quốc và chỉ gắn nhãn “sản xuất tại Mexico”. Hàng mang nhãn hiệu Mexico được miễn thuế theo NAFTA, nếu không có thể chịu mức thuế 25%.

Mỹ thắt chặt kiểm tra tỷ lệ linh kiện Trung Quốc

Theo họ, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đã tăng cường áp dụng quy tắc ít được biết đến, gọi là “phân tích chuyển đổi đáng kể” (substantial transformation analysis), để xác định hàng hóa nhận được bao nhiêu phần giá trị gia tăng tại nước đang trực tiếp xuất sang Mỹ.

“Cơ quan này chắc chắn đang soi kỹ mọi mặt hàng vào Mỹ đến từ Trung Quốc, và bây giờ ngay cả nếu nó từ một quốc gia khác”, Lenny Feldman, luật sư thương mại quốc tế của văn phòng luật Sandler, Travis & Rosenberg có trụ sở tại Mỹ.

Một phát ngôn viên của cơ quan này nói vai trò của cơ quan là xác định mức thuế phù hợp cho các sản phẩm từ Trung Quốc và họ coi phân tích chuyển đổi đáng kể là rất quan trọng.

Công nhân đang lắp ráp màn hình phẳng tại xí nghiệp của công ty Hisense. (Ảnh: Wall Street Journal).

Để thỏa mãn yêu cầu khắt khe hơn này, một số công ty đã mang theo ngày càng nhiều nhà cung cấp đến Mexico. Sự thay đổi này có khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở Bắc Mỹ và giúp Mexico vươn từ lắp ráp sản phẩm đơn giản đến các sản phẩm phức tạp hơn, giống như quá trình nước này vươn lên dẫn đầu về xe hơi.

“Tôi đang thấy hoạt động đào tạo diễn ra nhiều hơn ở Mexico. Nhiều trường đào tạo các loại hình sản xuất tinh vi. Không phải các thao tác tua-vít đơn giản”, Thomas Keat, luật sư tại công ty luật hải quan và thương mại quốc tế Rock Trade Law của Mỹ, nói với Wall Street Journal. “Đây là điều tốt cho Mexico. Thay vì nhận các công việc lắp ráp đơn giản, giờ đây, nhiều công việc kỹ thuật cao sẽ đến đây”.

Tuy nhiên, đe dọa đánh thuế mới nhất của ông Trump đối với Mexico có thể sẽ đẩy giá hàng điện tử ở Mỹ lên cao. “Không có lựa chọn thay thế nào cho người tiêu dùng Mỹ, lệnh tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến 82% tivi được bán tại thị trường Mỹ vì số tivi đó đến từ Mexico hoặc Trung Quốc”, ông Román Caso, người đứng đầu tập đoàn điện tử Canieti ở khu vực tây bắc Mexico nơi tập trung nhiều hoạt động sản xuất.

Đánh thuế Mexico, nhà máy sẽ tìm điểm đến khác

Các nhà kinh tế cho rằng mức thuế cao hơn đối với Mexico và Trung Quốc sẽ không thể buộc các công ty chuyển sang Mỹ theo mong muốn của ông Trump, thay vào đó lại buộc họ tìm kiếm các quốc gia khác có chi phí thấp.

Ngành công nghiệp đồ gia dụng ở Rosarito và Tijuana lân cận, ngay bên kia biên giới từ San Diego, là nơi lắp ráp tivi lớn nhất cho người tiêu dùng Mỹ, mỗi năm mua khoảng 45 triệu màn hình phẳng.

Cho đến nay, gần như toàn bộ giá trị tăng trong hàng gia dụng được lắp ráp ở Mexico đến từ châu Á, và đối với màn hình tivi, giá trị gia tăng trong các nhà máy Mexico chỉ chiếm 2-3%. Các linh kiện như tấm kính và bảng mạch đều được sản xuất tại Trung Quốc và các nước châu Á khác.

Nhưng điều đó đang dần thay đổi. Hisense đã đầu tư khoảng 30 triệu USD vào năm 2018 để mang theo các nhà cung cấp vật liệu và tấm quang học cho tivi màn hình phẳng của hãng. Hãng thực hiện dập kim loại và ép nhựa tại nhà máy của mình, vận dụng robot hiện đại để chế tạo các bảng mạch.

Năm nay, công ty có kế hoạch đầu tư 5-10 triệu USD để tăng sản lượng màn hình tivi ở Rosarito lên 5 triệu năm 2020, so với 2,7 triệu năm ngoái, đồng thời tăng số nhân công lên 2.500, so với 1.200.

“Căng thẳng thương mại có ảnh hưởng đến quyết định đầu tư”, ông Thomas Yu, người đứng đầu đơn vị Hisense ở Mexico, nói với Wall Street Journal. “Mục tiêu là biến Hisense thành công ty toàn cầu và biến Mexico thành trung tâm sản xuất nhờ vào vị trí chiến lược”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn