Báo Trung Quốc: Các công ty đến sau đang phải tranh giành lao động Việt Nam

Thứ ba, 04/06/2019, 15:43
Khi các công ty từ Trung Quốc đổ dồn sang để tránh thuế nhập khẩu của Tổng thống Trump, Việt Nam sẽ chịu sức ép lớn.

Trên một con đường nhỏ dấn đến cảng Cát Lái (Bình Dương), xe tải chen chúc cả ngày, còi inh ỏi. Vào giờ cao điểm, ùn tắc giao thông có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Khung cảnh ùn tắc chật chội này đang phản ánh thách thức lớn đối với các nhà sản xuất có mặt tại Việt Nam, vì các trung tâm công nghiệp đang trở nên đông đúc hơn bao giờ hết.

Một mặt, đầu tư bùng nổ vào Bình Dương đã giúp doanh thu của công ty xây dựng của anh Weng Caibing tăng đến 50% những năm gần đây. Mặt khác, anh ta sẽ phải đau đầu vì một vấn đề mới: kiếm công nhân ngày càng khó, đặc biệt là phiên dịch viên tiếng Trung.

Bốn năm trước, cứ đăng tuyển là trong vòng hai ngày Weng sẽ thuê được người. Bây giờ thì khó hơn nhiều, ngay cả khi anh tốn tới 2.000 CNY (gần 7 triệu VND ) mỗi tháng để đăng tin tuyển người. Làn sóng đầu tư lớn từ Trung Quốc đột ngột đổ vào đã tạo ra sự cạnh tranh ác liệt trên thị trường lao động.

"Trước đây chỉ 5 triệu VND là tôi tuyển được phiên dịch giỏi, giờ thì trả 15 triệu VND cũng chưa tuyển được ai", Weng nói với South China Morning Post trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Công ty xây dựng của Weng cách thành phố Hồ Chí Minh 1 giờ đi ô tô. Hiện có 30 khu công nghiệp mới trong khu vực, phục vụ cho các công ty nước ngoài từ Trung Quốc.

Trong 5 tháng đầu năm, FDI vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn nhất đến từ các công ty Hong Kong, với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD. Mặc dù chỉ có dân số 2,1 triệu, Bình Dương vẫn đứng đứng thứ ba, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm nay, với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,25 tỷ USD.

Việt Nam có nền chính trị ổn định, chi phí lao động tương đối thấp, gần Trung Quốc, tất cả những điều này đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất Trung Quốc trong những năm gần đây. Tư cách thành viên của Hiệp định toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã giúp lôi kéo các nhà sản xuất Trung Quốc đến Việt Nam, từ đó họ cũng có thể tận dụng được thuế nhập khẩu thấp vào các quốc gia thành viên CPTPP khác.

Man Wah Holdings - nhà sản xuất đồ nội thất hàng đầu ở Hong Kong, đã mua một trong những nhà máy sản xuất đồ nội thất lớn nhất Việt Nam vào năm ngoái và mở rộng nó. Man Li Wong, người sáng lập công ty cho biết sẽ mở rộng cơ sở sản xuất và mở cửa sớm nhất vào tháng 8. "Chúng tôi tin rằng nhà máy sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ được chuyển phần lớn đến Việt Nam vào năm 2020. Chúng tôi sẽ nâng công suất lên 800.000 sản phẩm mỗi năm", ông nói.

Dĩ nhiên, sự đổ bộ hàng loạt của các công ty như Man Wah sẽ khiến công nhân trở nên khan hiếm hơn, các công ty nhỏ đang phải vật lộn để thu hút lao động. "Mức lương cơ bản [mỗi tháng] mà Man Wah đưa ra là 8 triệu VND khi họ bắt đầu tuyển dụng vào tháng 8 năm ngoái, sau đó được tăng lên 9 triệu VND rồi 10 triệu VND. Họ phải đẩy lương lên cao hơn nhiều so với mặt bằng chung" - Li Weihua, một doanh nhân Trung Quốc đang điều hành một nhà máy sản xuất đồ nội thất gần cơ sở của Man Wah cho biết.

Các xưởng nội thất hầu như không yêu cầu kinh nghiệm - bất kỳ lao động trẻ nào cũng có thể làm. Nhưng bây giờ, người lao động có nhiều lựa chọn việc làm hơn. Việt Nam có 54,8 triệu lao động trên 15 tuổi - độ tuổi hợp pháp để làm việc vào năm 2017, với 9,3 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất.

"Giá đất tạm thời vẫn còn phải chăng, nhưng khách hàng của tôi thực sự lo lắng về việc tuyển dụng lao động", ông Stanley Kung, Tổng giám đốc của Ever Win Service Group, một công ty tư vấn Đài Loan cho biết.

Hiện tại, số lượng doanh nghiệp đang tăng nhanh hơn nhiều so với cung lao động. Hơn nữa, nhiều doanh nhân trả lời South China Morning Post rằng giá đất công nghiệp trung bình ở Bình Dương đã tăng 80% trong ba năm, lên đến 120 USD mỗi mét vuông, các công ty buộc phải xây dựng thêm các khu công nghiệp ở các khu vực hẻo lánh hơn, mà nơi càng hẻo lánh thì càng khó thuê lao động.

"Một hạn chế nữa là thay nghề công nhân Việt Nam còn kém so với công nhân Trung Quốc. Chẳng hạn, để thay thế 3 lao động ở Trung Quốc, bạn có thể phải tuyển tới 5 người Việt Nam", ông Teng Lihao, một doanh nhân Trung Quốc đang điều hành một công ty xây dựng ở Bình Dương cho biết.

Thực tế là sau khi một số công ty chuyển hoạt động sang Việt Nam thành công, các nhà đầu tư mới đang gặp khó khăn hơn. Điều này là do thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất, cũng như chất lượng nguyên liệu thô. Hiện tại, mạng lưới cung ứng và cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ tương đương với Trung Quốc vài năm trước.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích